Các thị trường xuất khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam trong năm 2013 và những năm tiếp theo vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Nhưng những tháng đầu năm 2014 đã tiếp nhận những khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Trung Quốc - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam năm 2009, đến năm 2013 đã vươn lên vị trí thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và EU).
Năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt tăng trưởng 36,6%, trị giá 572,7 triệu USD. Mặc dù xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều gặp khó khăn, nhưng các mặt hàng chính sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng khả quan.
Tôm vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (64%) và có mức tăng trưởng cao nhất 38,2%. Cá tra cũng tăng 23% và chiếm 17,5%...
Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam có xu hướng đi xuống cho thấy Trung Quốc ngày càng đa dạng hóa các nguồn cung cấp, nên áp lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc ngày càng lớn.
Hoa Kỳ
Ngày 7/2/2014, Tổng thống Obama ký quyết định ban hành Luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014), trong đó có nội dung chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra của Việt Nam, từ Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Luật Nông trại 2014 với nhiều nội dung được xem là gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tương lai vào thị trường Mỹ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ quy định cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn ngang với mặt hàng cá da trơn sản xuất tại Mỹ, từ quy trình nuôi, sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc quản lý các sản phẩm nông, thủy sản theo chuỗi từ con giống đến bàn ăn là xu hướng chung ở tất cả các nước trên thế giới. Thực chất ở Việt Nam đã và đang làm điều này, và tất cả những nội dung, tiêu chí đó được thể hiện trong chương trình VietGap. Vấn đề còn lại là chúng ta phải đẩy mạnh, triệt để hơn trong thời gian tới.
“Về thủy sản, chúng tôi đã công bố với các cơ quan quốc tế có văn phòng tại Bangkok (Thái Lan), tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thế giới. Và chúng tôi đề nghị tất cả các tổ chức quốc tế công nhận lẫn nhau, công nhận tiêu chuẩn VietGap của chúng ta cũng như chúng ta công nhận tiêu chuẩn của họ”- ông Điền nói.
Lo ngại
Mặc dù tự tin với quy trình sản xuất VietGap, tuy nhiên các giới chức, các chuyên gia và cả doanh nghiệp lẫn hộ chăn nuôi cá tra Việt Nam không khỏi lo ngại về sự bảo hộ của Mỹ về vấn đề này.
Theo luật thì trong vòng 60 ngày, Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đưa ra quy định cụ thể về chương trình giám sát. Nhưng vấn đề là lâu nay Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ quản lý thịt, gia cầm và trứng mà không hề có kinh nghiệm gì về vấn đề thủy sản chứ chưa nói đến vấn đề cụ thể là con cá tra, ba sa của Việt Nam hay con cá catfish của Mỹ, cho nên nhiều ý kiến quan ngại họ sẽ áp dụng chương trình kiểm soát giống y như thịt và chắc chắn gây khó khăn khi xem xét chứng nhận hoạt động chăn nuôi cũng như xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Vasep, nhiều chuyên gia lo ngại đây là hành động bảo hộ ngành cá da trơn trong nước của họ. Cá tra nằm trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ trong năm 2012.
Chưa ảnh hưởng trong năm 2014
Cho đến thời điểm này, đạo luật (Farm Bill 2014) chưa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Vasep cho biết, dự kiến đến ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ phải hoàn tất việc công bố các quy định của Luật Nông trại mới. Do còn nhiều sự chuẩn bị của nội bộ Mỹ nên trong năm 2014 xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ chưa bị ảnh hưởng từ dự luật này.
Theo đánh giá, dự kiến việc thực thi Luật Nông trại 2014 nhanh nhất sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2015, tuy nhiên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dự toán ngân sách 2015 do Tổng thống Mỹ ban hành dự kiến vào ngày 4/3 tới.
Trước đây Tổng thống Mỹ đã ban hành Dự toán Ngân sách 2014 và đã loại bỏ những chương trình trùng lặp gây lãng phí như chương trình giám sát cá da trơn, vì vậy, rất có thể trong Dự toán Ngân sách 2015, Tổng thống Mỹ sẽ không duyệt cấp ngân sách cho chương trình giám sát cá da trơn.
Theo ông Trương Đình Hòe, với xu hướng tiêu dùng hiện nay, việc làm cho hoạt động sản xuất của mình bền vững theo chuỗi từ ao nuôi đến bàn ăn, rõ ràng là một xu hướng và có Farm Bill hay không thì ngành công nghiệp cá tra Việt Nam vẫn theo đuổi xu hướng ấy.
Với những thành quả gần đây trong việc đạt được một số chứng nhận quốc tế của các doanh nghiệp thì có cơ sở để tin rằng chúng ta có thể vượt qua được trở ngại. Vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm của chúng ta sản xuất ở mức chất lượng được thị trường chấp nhận và phù hợp với các xu hướng và hoạt động bền vững trong nuôi trồng.
Vasep cho biết, ngay sau đạo luật Nông trại 2014 ra đời, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng đã có thông cáo báo chí phản đối sự kiện này, nêu rõ: “Quốc hội Mỹ đã phớt lờ cam kết thực hiện thương mại tự do và bình đẳng đối với các đối tác là các quốc gia đang phát triển ở châu Á khi quyết định không rút lại chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một phần của Luật Nông trại 2014”.