Tham dự Diễn đàn và Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hà Công Tuấn; Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Mao Thôra; đại diện Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, Cơ quan Xúc tiến Thương mại, chính quyền thành phố Phnôm Pênh; đại diện Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia và gần 100 doanh nghiệp hai nước.
Thay mặt Bộ trưởng Thương mại Campuchia Chăm Prasith, Quốc vụ khanh Mao Thôra đánh giá cao sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn và Hội nghị lần này, chủ động, tích cực kết nối, tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia. Diễn đàn và Hội nghị lần này là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận phản hồi từ doanh nghiệp hai nước về các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam không ngừng tăng lên. Thị trường xuất khẩu sản phẩm này ngày càng mở rộng và hiện có mặt trên 160 nước, trong đó Campuchia là một trong những thị trường cận biên quan trọng và đầy tiềm năng. Đặc biệt, mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa hai nước. Vì vậy, Diễn đàn và Hội nghị lần này hướng tới việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường sự hiểu biết, cùng đánh giá khả năng hợp tác để đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn và Hội nghị nghe giới thiệu và thảo luận về tiềm năng thương mại nông lâm thủy sản, tiềm năng sản xuất, cung ứng máy móc, thiết bị và vật tư nông nghiệp của Việt Nam; tình hình hợp tác thương mại, đầu tư trong lĩnh vực Nông nghiệp giữa Việt Nam và Campuchia; tham gia giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp, doanh nhân hai nước.
Hơn 1.000 km biên giới, trải dài qua 10 tỉnh Việt Nam, cùng với 9 cửa khẩu quốc tế chính là cơ hội thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia. Thêm vào đó, thói quen tiêu dùng của người Campuchia gần với Việt Nam, phù hợp với khả năng cung cấp của các nhà sản xuất Việt Nam. Những điều kiện và nền tảng thuận lợi như vậy sẽ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và ổn định về quan hệ thương mại giữa hai nước trong tương lai.
Trong khoảng 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia luôn đạt mức trung bình trên 32,5%. Riêng năm 2011, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 2,8 tỷ USD, tăng hơn 55% so với năm 2010. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Campuchia là phân bón, dụng cụ cơ khí, hàng thủy sản, rau quả, thực phẩm và nhập từ Campuchia các mặt hàng gỗ nguyên liệu, gạo, sắn lát, hạt điều và mủ cao su./.