Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới Bộ Công thương - nói: Chúng ta đã có ban chỉ đạo thương mại biên giới. Hiện đang có ba cửa khẩu có thể xuất khẩu vải sang biên giới với Trung Quốc là Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang thì ban chỉ đạo đều đã có điều phối, chỉ đạo nhằm không để xảy ra tình trạng ách tắc, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ vải của nông dân. Hiện khả năng ách tắc là không có. Vấn đề chỉ là làm sao tiêu thụ được vải cho nông dân. - Không chỉ quả vải, nhiều mặt hàng nông sản cũng bị tắc đầu ra, các bộ ngành đã làm gì để giúp nông dân? Thời gian qua Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh có liên quan quả vải đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại cho quả vải ở các tỉnh phía Nam cũng như các tỉnh của Trung Quốc có biên giới giáp với Việt Nam. Kết quả thu được khá thiết thực. Một số hợp đồng đã được ký kết. Hiện nay, chúng tôi liên tục nắm tình hình thì thấy đã có nhiều thương nhân Trung Quốc đặt hàng hơn, quay lại mua vải của nông dân. Theo tôi, tình hình tiêu thụ vải đã khả quan hơn đầu vụ. Lúc đầu, phía Trung Quốc đặt hàng giảm, họ có nghi ngại, nhưng sau đó phía Việt Nam đã có tuyên truyền, nói rõ chủ trương, chính sách của Việt Nam. Các địa phương hai bên cũng đã làm việc với nhau. Họ thấy ta vẫn tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc vào mua đúng quy định. Nên nay theo chúng tôi ghi nhận, hầu hết thương lái nếu trước đây từng quan hệ địa phương trồng vải rồi thì năm nay họ sẽ tiếp tục hoạt động. - Đã có rất nhiều khuyến cáo cần phải đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, việc này đã được triển khai như thế nào, thưa ông? Tất nhiên, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều có hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường, như Trung Quốc. Chúng tôi đang phát triển thị trường tiêu thụ quả vải, nông sản sang Lào, Campuchia, Singapore cũng như các nước khác... Chúng ta đang xúc tiến tích cực. Vừa rồi, Việt Nam đã giới thiệu vải sang Singapore. Các thương vụ Việt Nam đang làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài và báo cáo về rằng nông sản, quả vải của Việt Nam đã được đưa vào các hội chợ triển lãm ở nước bạn. Việc này từng bước sẽ đem lại hiệu quả, không thể ngay lập tức. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính qua khó khăn vừa rồi, khi xuất hiện lo lắng về khả năng tiêu thụ của một thị trường, thì bản thân các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tự đi tìm thị trường mới. Về lâu dài là phải đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến. Nếu không, cứ đúng vụ, như dưa hấu ta được mùa lớn, thì mỗi ngày có tới hơn 1.000 xe chở lên cửa khẩu sẽ không nơi nào có thể đáp ứng được. Chúng ta không thể hoạch định được mùa vụ. Vấn đề là quy hoạch, bảo quản, chế biến. Vải ta chủ yếu xuất khẩu tươi, nếu được đóng hộp hoặc vải khô thì có thể có thị trường tiêu thụ tốt hơn, thời gian tiêu thụ lâu hơn, tránh được tình trạng dồn ứ vào đúng vụ. Cái này Việt Nam đã làm rồi nhưng cần làm tốt hơn và không phải chỉ cơ quan nhà nước mà làm được. Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy nếu doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thì giá sẽ tốt hơn, tránh được bấp bênh. Theo tiểu ngạch, hay còn gọi là biên mậu, giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc cũng có hình thức ký hợp đồng. Thực tế, những trường hợp nông dân Việt Nam ký được hợp đồng và thương nhân Trung Quốc có tham gia quá trình trồng thì những loại vải đó tiêu thụ tốt. Nên vấn đề quan trọng hàng đầu là bản thân thương nhân Việt Nam cũng cần tăng cường kinh doanh theo hình thức ký hợp đồng. Bà con nông dân cũng cần tăng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn... Đây là yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều thị trường và giảm những rủi ro về giá, tiêu thụ...
Nông, lâm thủy sản
Bộ Công Thương xúc tiến tiêu thụ vải ở Singapore, Lào, Campuchia
12/09/2014
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
TIN TỨC CŨ