Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhóm hàng nông sản luôn có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, sản lượng, chất lượng, giá cả nông sản rất bấp bênh do quy hoạch và sự phối hợp chưa ổn định đã gây khó khăn cho cả người sản xuất lẫn nhà quản lý.
Quy hoạch luôn bị phá vỡ
Trong vài tháng trở lại đây, ở nhiều tỉnh Tây Nguyên và phía Nam lại xuất hiện tình trạng người dân chặt bỏ cao su, cà phê vì giá sụt giảm mạnh để trồng tiêu, chôm chôm, măng cụt..., đồng thời diện tích một số loại cây như sắn, thanh long có xu hướng tăng nhanh, vượt xa so với quy hoạch dự kiến vì lý do giá “leo thang”. Thống kê của Hội Nông dân Bình Thuận cho thấy, tính hết tháng 4/2014, diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận ước đạt 22 nghìn ha, trong khi quy hoạch đến năm 2015 chỉ có 15 nghìn ha.
Tương tự, diện tích cà phê mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến quy hoạch khoảng 500 nghìn ha, nhưng hết năm 2013, tổng diện tích cà phê cả nước đã tới 630 nghìn ha. Hay như cây sắn ở Đăk Lăk năm 2010 có 27,5 nghìn ha, đến đầu năm 2014 đã lên đến 35 nghìn ha, trong khi quy hoạch chỉ có 15 nghìn ha.
Như vậy, tình trạng nông dân tự phát tăng diện tích một số loại cây trồng là điều rất đáng lo ngại. Mặc dù đã có khuyến cáo, vận động, nhưng tư duy của nông dân khó thay đổi, vì họ làm theo tập quán và chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt.Điệp khúc “được mùa- mất giá”, “trồng- chặt” đã lặp lại rất nhiều năm nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào cải thiện được tình hình. Điều này cũng cho thấy, phát triển nông nghiệp chưa gắn với nhu cầu của thị trường, sản lượng không ổn định, giá cả bấp bênh... gây ra những khó khăn không chỉ cho người dân mà còn cho cả nền kinh tế.
Chính sách “bảo vệ” quy hoạch
Chúng ta đều biết rằng, quy hoạch là để phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích, góp phần ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng hàng nông sản, gắn liền với đầu tư cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Quy hoạch vùng sản xuất thường đi kèm với các quy hoạch, đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, chế biến... Việc tự ý phá vỡ quy hoạch đồng nghĩa với việc phá vỡ các quy hoạch hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu ra của hàng hóa...
Việc lựa chọn cây trồng để làm giàu là quyền của mỗi người nông dân. Tuy nhiên, việc phá vỡ quy hoạch đã gây ra thiệt hại cho chính nông dân, doanh nghiệp, gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Vì vậy, đã đến lúc nhà nước cần có những cơ chế, chế tài để chấm dứt tình trạng này.
Trước hết, muốn có quy hoạch đúng, cơ quan quản lý cần xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào, thậm chí giá cả ra sao theo từng giai đoạn. Với diện tích còn lại, phải định hướng cho người dân trồng cây gì cho phù hợp. Đặc biệt, cần thiết lập chuỗi liên kết, cung ứng từ sản xuất- chế biến- thị trường.
Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái
Khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1,44 tỷ USD, giảm 9,9% về khối lượng, và giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tháng 6/2014 xuất khẩu cà phê ước đạt 109 nghìn tấn với giá trị đạt 229 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm ước đạt 1,04 triệu tấn và 2,12 tỷ USD, tăng 31,7% về khối lượng và tăng 24,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.
Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 6/2014 đạt 86 nghìn tấn với giá trị 153 triệu USD, với ước tính này 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 337 nghìn tấn với giá trị đạt 644 triệu USD.
Khối lượng xuất khẩu chè tháng 6/2014 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm ước đạt 57 nghìn tấn với giá trị đạt 92 triệu USD.
Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 6/2014 ước đạt 27 nghìn tấn với giá trị 178 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu điều 6 tháng đầu năm 2014 đạt 130 nghìn tấn với 829 triệu USD.
Xuất khẩu tiêu 6 tháng đầu năm 2014 lên 111 nghìn tấn với giá trị 790 triệu USD, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị.
Sắn và các sản phẩm từ sắn trong 6 tháng 2014 xuất khẩu ước đạt 569 triệu USD, giảm 13% về khối lượng và giảm 12,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh, ngoại trừ thị trường Nhật Bản (tăng 16,97% về khối lượng và tăng 16,62% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam với 85,66% thị phần.