Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh
09/07/2014

Thủy sản vẫn dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong bối cảnh tình hình trên Biển Đông tiếp tục căng thẳng; ngư dân ta ở một số ngư trường truyền thống vẫn bị tàu Trung Quốc uy hiếp, ngăn cản khi khai thác, đánh bắt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2014, thủy sản vẫn là mặt hàng duy trì được mức tăng trưởng mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2014 đạt 536 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường tiêu thụ lớn khác cũng đều tăng mạnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 8,36%; 45,92% và 51,74%.

Sản lượng thủy sản sáu tháng đầu năm 2014 ước đạt gần 3 triệu tấn

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước ước đạt 2,867 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 6/2014 ước đạt 452 nghìn tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2014 đạt 1,453 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong khi sản xuất tôm đang tăng nhanh về sản lượng thì ngành sản xuất cá tra lại gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, tình hình sản xuất tôm sú tháng 6/2014 vẫn ổn định so với tháng trước, hầu hết diện tích tôm sú 6 tháng đầu năm 2014 của các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sản lượng lại tăng. Đơn cử, Trà Vinh có diện tích nuôi tôm là 18.419 ha, giảm 12,2% song sản lượng đạt 4.189 tấn, tăng 38,7%. Cà Mau với diện tích nuôi là 263.735 ha, giảm 1,1% nhưng sản lượng đạt 5.600 tấn, tăng 3,9%. Bạc Liêu có diện tích nuôi là 112.144 ha giảm 2,6% song sản lượng đạt 26.277 tấn, tăng 7,5%...

Đối với nuôi cá tra, hiện người nông dân đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng giá thấp kéo dài nên đa số người nuôi không mạnh dạn thả nuôi hoặc chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác, trong khi những cơ sở đang nuôi thì lượng cá đạt kích cỡ thương phẩm để xuất bán không nhiều.

Đặc biệt, vào thời điểm này giá cá tra giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, chỉ còn 21.500-22.000 đồng/kg, do Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố tăng thuế chống bán phá giá lần thứ 9, bình quân mỗi mức thuế từ 0,42-1,2 USD/kg, làm cho sản xuất cá tra càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, trong tháng 6/2014, thời tiết cũng thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Tại các vùng biển miền Trung và Nam Trung Bộ, các đàn cá nổi xuất hiện liên tục, tạo điều kiện cho bà con ngư dân ra khơi khai thác đạt kết quả cao. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981, cùng các tàu thuyền quân sự và thuyền cá vỏ sắt xua đuổi, tấn công tàu cá Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa nên đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình khai thác thủy sản ở vùng này.

Mặc dù vậy, ước 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản vẫn đạt 1,414 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ước khai thác biển đạt 1,328 triệu tấn, tăng 5,5 % so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản tiếp tục tăng cường hoạt động nuôi trồng, kiểm soát tình hình dịch bệnh và chủ động giống cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại các vùng trọng điểm. Cùng với đó, trong lĩnh vực khai thác, các đơn vị cần tập trung đảm bảo an toàn cho ngư dân đánh bắt bình thường trên biển và chuẩn bị tốt phương án hậu cần nghề cá, rà soát khu neo đậu cảng cá, tránh trú bão.

Sắp tới, Nghị định về chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân sẽ được Chính phủ ban hành. Trên cơ sở đó, Tổng cục thuỷ san đang tập trung xây dựng Thông tư hướng dẫn, để Nghị định sớm đi vào thực tế, mang lại hiệu quả sản xuất cao cho ngư dân.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng về giá trị của ngành nông nghiệp là 3,4% (cùng kỳ năm trước là 2,4%), trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%; lâm nghiệp tăng 6%; thủy sản 6%. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 7,17 tỷ USD, tăng 6,9%. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD. Đó là những tín hiệu cho thấy, tăng trưởng ngành nông nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt.

Việt Nam nhập nhiều mực, bạch tuộc từ Ấn Độ

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Ấn Độ. Đánh giá mới nhất của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy, trong giai đoạn 2013-2014, tăng trưởng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của nước này sang Việt Nam tốt, đạt gần 22% và khối lượng XK cũng tăng trưởng khoảng 19%.

Theo tính toán của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), năm 2013, Việt Nam là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 26-27,5% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. 33% tổng khối lượng mực (mã HS 030749) và 29% tổng khối lượng mực (mã HS 030741) của Ấn Độ được xuất khẩu sang Việt Nam, còn lại là một số thị trường NK lớn tại EU, châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Singapore…).

Tính đến hết tháng 5/2014, Ấn Độ cũng vẫn là đối tác chiến lược quan trọng và nguồn cung lớn nhất mực, bạch tuộc nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2014, nhu cầu bạch tuộc cỡ nhỏ của các nhà nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam tăng lên đã khiến nhiều nhà cung cấp Ấn Độ đổ xô tìm kiếm nguồn hàng này tại bờ biển phía Tây của Ấn Độ. Tuy nhiên, khan hiếm hàng nên giá xuất khẩu bạch tuộc cỡ nhỏ tăng từ 2,2-2,8 USD/kg trong năm 2013 lên 3,3-3,5 USD/kg trong đầu năm nay.

VASEP dự báo, với chất lượng nguyên liệu tốt, giá xuất khẩu ổn định, năm 2014, Ấn Độ vẫn được xem là thị trường nguyên liệu hấp dẫn và quan trọng nhất của các doanh nghiệp nhuyễn thể Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc