Thông tin từ Bộ Công Thương, tính từ đầu vụ đến nay, tổng sản lượng quả vải tiêu thụ đã đạt khoảng 61,8 nghìn tấn. Trong đó, xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn là 24,9 nghìn tấn với trị giá là 13,8 triệu USD với giá trị xuất khẩu bình quân dao động từ 8.500 đồng đến 18.000 đồng/kg.
Có được kết quả trên là do có sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Hỗ trợ tối đa, đẩy nhanh tiêu thụ quả vải
Thực tế, ngay từ đầu mùa vụ năm 2014, các Bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã chủ động lên kế hoạch, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ cũng như xuất khẩu quả vải tươi.
Về công tác thúc đẩy xuất khẩu, ngày 11/6/2014, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, tăng cường công tác an ninh, trật tự trên địa bàn, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường dẫn đến khu vực cửa khẩu xuất khẩu, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường… Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực bố trí bổ sung nhân lực làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ để tạo thuận lợi tối đa cho việc xuất khẩu mặt hàng này, đặc biệt là trong thời điểm chính vụ.
Bên cạnh đó, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng rau quả đặc sản của Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường tiếp xúc với các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng tại nước sở tại để tìm kiếm cơ hội giao dịch xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam, đẩy mạnh việc giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá các mặt hàng rau quả đặc sản của Việt Nam vào các dịp lễ, tết cũng như các sự kiện quốc tế nhằm mang hình ảnh cũng như sản phẩm của nước ta tiến sâu hơn vào thị trường thế giới.
Ngày 20/6/2014, Thương vụ Việt Nam tại Singpore đã triển khai giới thiệu, quảng bá và xúc tiến giao thương cho một số doanh nghiệp của Việt Nam chuyên kinh doanh chế biến, xuất khẩu quả vải tươi cũng như các sản phẩm được chế biến từ quả vải tại “Tuần lễ các sản phẩm nông nghiệp” tổ chức tại Singapore.
Ngoài ra, để khơi thông và thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này tại các tỉnh, thành phố ở phía Nam, ngày 16/6/2014, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức Hội nghị vùng Đông - Tây Nam Bộ. Tại Hội nghị, Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ quả vải với 11 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông - Tây Nam Bộ.
Với chiến dịch thâm nhập mạnh vào thị trường phía Nam, tính đến nay sản lượng tiêu thụ quả vải tại 3 chợ đầu mối (chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn và chợ Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã tăng gấp 2 lần, từ khoảng 700 tấn/ngày lên trên 1.300 tấn/ngày trong đó chợ đầu mối Thủ Đức đã ký kết được hợp đồng thu mua quả vải trị giá 100 triệu đồng. Các hệ thống siêu thị như Co-op Mart, Intimex, Vinatex, Ocean Mart, Big C, Lotte… cũng đã đưa quả vải vào bán tại chuỗi phân phối của hệ thống, đưa ra nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn để kích thích tiêu dùng của người dân trong nước.
Đưa quả vải vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này. Trong đó, tập trung nghiên cứu đưa mặt hàng quả vải và các sản phẩm được chế biến từ quả vải vào Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với quả vải thiều tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu…
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động hơn nữa trong công tác mở rộng khai thông thị trường quốc tế, tháo gỡ rào cản trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại đa phương và song phương. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án “Tổ chức dịch vụ giao nhận và hệ thống phân phối mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ vùng sản xuất đến cửa khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc” nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khâu lưu thông, xuất khẩu hàng hóa.
Dự kiến năm 2014 tổng sản lượng vải thiều đạt khoảng 190 nghìn tấn, tăng 13,6% so với mùa vụ năm 2013, trong đó tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và các huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Tiêu thụ trong nước bình quân chiếm 60% và xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản lượng. Hiện nay, quả vải tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đã bắt đầu vào chính vụ thu hoạch.
Vải của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng quả tươi sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... là các nước có vị trí địa lý gần với Việt Nam (chiếm khoảng 85% tổng lượng xuất khẩu), trong đó lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Các sản phẩm được chế biến từ quả vải như nước vải ép, vải sấy khô, vải đông lạnh đóng lọ có giá trị gia tăng cao (chiếm khoảng 15% tổng lượng xuất khẩu) chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU…
Bắc Giang: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vải thiểu
Song song đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tập trung mạnh cho xuất khẩu là giải pháp giúp vải thiều Bắc Giang có đầu ra ổn định, lâu dài.
Đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho thấy: Sản lượng vải năm nay của cả tỉnh đạt khoảng 140.000 tấn. Đây là loại trái cây nhiều dinh dưỡng, có tiềm năng tiêu thụ ở những thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu. Tuy nhiên, vải thiều rất khó bảo quản. Vào mùa hè, trời nắng nóng, chỉ trong một ngày vải đã bị đổi màu, vỏ thâm lại. Sang ngày thứ 2-3, chất lượng quả cũng bị giảm.
Để tăng thời gian bảo quản nhằm tập trung cho xuất khẩu, thời gian qua, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học & Công nghệ) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS (viết tắt của Cells Alive System) do Công ty ABI của Nhật Bản nghiên cứu, sáng chế, giúp bảo quản vải hơn một năm với chất lượng tốt.
Công nghệ CAS, luôn giữ ở nhiệt độ lạnh từ -35oC trở lên nhưng vẫn không phá vỡ các màng và thành tế bào, duy trì được các yếu tố quan trọng cấu thành hương vị trong thực phẩm. Nhờ đó, thực phẩm được bảo quản tốt hơn, giữ được độ tươi ngon lâu hơn so với công nghệ đông lạnh truyền thống. Trên thực tế, Nhật Bản đã rất thành công nhờ sử dụng công nghệ CAS, thậm chí giá vải ở Nhật Bản là 16 USD/5 quả. Đây là giấc mơ của người trồng vải Việt Nam. Nếu công nghệ áp dụng tốt ở Việt Nam thì giá trị quả vải sẽ được nâng cao.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu vải của tỉnh Bắc Giang hiện tập trung vào thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước châu Âu (chiếm khoảng 40% sản lượng). Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của vải thiều với 95% tổng sản lượng xuất khẩu (tương ứng 50.000 tấn).
Đối với các rào cản về kiểm định hàng hoá của phía Trung Quốc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định về kiểm dịch và kiểm nghiệm hoa quả nhập khẩu, cách bao gói, đóng hộp đến các thương nhân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ vải thiều. Khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân xuất qua đường chính ngạch là chính.
Mùa vải năm nay, ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Campuchia, thậm chí thị trường Nga, số lượng đơn đặt hàng nhập vải nhiều hơn trước, thị trường Nhật Bản năm nay cũng đã đặt hàng 3.000 tấn vải tươi.
Và hiện 16 nhà máy chế biến thuộc Tổng công ty Rau quả nông sản Việt Nam đã bắt đầu thu mua vải thiều để chế biến vì giá và chất lượng vải hiện nay có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn hàng quốc tế.