Nông, lâm thủy sản
Thiếu giải pháp thiết thực thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản
01/07/2014

Nhận diện thực trạng, nhất là điểm yếu cũng như thách thức của công tác xuất khẩu (XK) nông, thủy sản đang là yêu cầu cấp thiết với cơ quan chức năng. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu cần có phân tích cụ thể và giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả XK nhóm hàng này theo hướng bền vững và tăng trưởng liên tục trong thời gian tới...

Xuất khẩu tăng, nhưng chưa yên tâm

Theo Bộ Công Thương, nhóm hàng nông, thủy sản có vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch XK cả nước, góp phần tạo đầu ra cho sản xuất nông, ngư nghiệp, gắn bó chặt chẽ với đời sống của hàng triệu hộ gia đình. Việt Nam đã có một số thương hiệu nổi tiếng như gạo, cà phê, cao su và các loại hoa quả… Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch XK nông, thủy sản đạt gần 9 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái và được đánh giá là mức tăng trưởng khá cao. Các chuyên gia cho biết, nhìn chung tiềm năng XK của hầu hết các nhóm hàng vẫn còn lớn, có thể duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, hàng nông, thủy sản đang đối diện một số thách thức, như phụ thuộc vào diễn biến thời tiết bất thường, thiếu vùng nguyên liệu tập trung, ảnh hưởng trước sự thay đổi về nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường. Theo Bộ Công Thương, chi phí sản xuất của đơn vị sản xuất có biểu hiện tăng lên, trong khi đang xuất hiện xu hướng áp dụng hàng rào kỹ thuật và thương mại ở một số nước nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, nếu có bao nhiêu mặt hàng thì cũng có bấy nhiêu sự khó khăn mà đơn vị sản xuất, XK cần "tâm sự". Đó là tình trạng thủy sản đang thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến XK, bởi hiện khả năng nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 60-65% công suất của các nhà máy. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành XK của ngành thủy sản Việt Nam vì nó làm giảm hiệu quả vốn đầu tư ban đầu đồng thời không chủ động được về nguyên liệu. Trong khi đó, mặt hàng gạo lại đang chịu áp lực cạnh tranh với gạo của Myanmar, Campuchia và Thái Lan tại các thị trường truyền thống. Đại diện hiệp hội XK hoa quả Việt Nam cho biết, tuy ngành này vẫn đang hoạt động suôn sẻ, duy trì sự có mặt ổn định tại nhiều thị trường truyền thống. Nhưng, DN cũng không ít lần đối diện với tình trạng bi đát và được miêu tả là "sáng tươi, chiều héo, tối đổ đi" do sự "đỏng đảnh" của thị trường. Sự bộc bạch này khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh đoàn xe ô tô chở dưa hấu xếp hàng dài ở biên giới phía Bắc hay trường hợp hoa quả chịu cảnh ế ẩm, mất giá ngay tại các vùng nguyên liệu do cung vượt cầu. Vì thế, các hộ gia đình, nông trại không nên phát triển tự phát, tràn lan mà thiếu sự điều tra chắc chắn, vì điều đó có thể dẫn đến hậu quả ế thừa cục bộ như đã xảy ra tại Lâm Đồng, gây ra những thiệt hại không đáng có.

Đồng bộ quy hoạch về sản xuất và tiêu thụ

Các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nhất trí quan điểm tăng cường hỗ trợ DN và hộ sản xuất. Thời gian tới, hai bộ này phối hợp sẽ triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, ổn định hơn; thực hiện quy hoạch tổng thể và xác định quy mô sản xuất từng loại sản phẩm. Cơ quan quản lý cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật để bảo đảm chất lượng và an toàn sử dụng, tập trung vào mục tiêu nâng cao khả năng quản lý chất lượng hàng XK. Hai bộ cũng sẽ phối hợp với hệ thống ngân hàng, đề xuất việc giải quyết nhu cầu về vốn cho DN, trong đó có triển khai Thông tư số 29 của Ngân hàng Nhà nước để cho DN vay ngoại tệ với lãi suất thấp để hỗ trợ XK. Sau cùng, Bộ Công Thương sẽ tăng tốc độ đàm phán với đối tác để mở rộng thị trường; cung cấp thông tin và chỉ dẫn các vấn đề liên quan đến sản xuất, tư vấn thông tin và hỗ trợ pháp lý cho DN… Đặc biệt, theo các cơ quan chức năng, hiện tình hình giao thương Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, và Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng cho nông, thủy sản Việt Nam. Các chuyên gia gợi ý DN nên tập trung tận dụng cơ hội đẩy mạnh XK gạo sang Trung Quốc để tiêu thụ mặt hàng này cũng như khẳng định sự liên tục và thương hiệu hàng Việt nói chung. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu là đầu ra lâu dài cho hoạt động sản xuất nông, thủy sản của Việt Nam; từ đó cơ quan quản lý cần ý thức về trách nhiệm hỗ trợ các đơn vị sản xuất và xuất khẩu. Làm được như vậy, nông, thủy sản sẽ góp phần xứng đáng vào tăng trưởng GDP, nhất là bảo đảm đời sống ổn định cho người nông dân.

Về phía mình, DN cũng mong muốn Nhà nước tăng cường hỗ trợ, nhất là đề xuất những ý kiến thiết thực, gần gũi với thực tế để giải quyết những tồn tại. Đơn cử, đại diện Hiệp hội Sản xuất và Chế biến thủy sản (VASEP) cho rằng cơ quan chức năng nên giảm tần suất đi kiểm tra chất lượng hàng thủy sản; giảm bớt quy định buộc DN phải thực hiện để tiết giảm chi phí và thời gian; đề nghị cho DN vận chuyển thủy sản đông lạnh bằng công ten nơ loại 40 Feet tương đương trọng lượng là 28 tấn như thông lệ quốc tế thay vì chỉ được chở 21 tấn như quy định của ngành giao thông. Trong khi đó, đại diện hiệp hội sản xuất hạt điều lại mong muốn ngành công thương kịp thời hướng dẫn DN hiểu, thực hiện tốt việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa kết hợp bảo vệ thương hiệu đối với hàng XK…

Ý kiến bạn đọc