Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu thuỷ sản của một số tỉnh 5 tháng đầu năm 2014
14/06/2014

An Giang: Xuất khẩu cá tra đạt gần 15 ngàn tấn

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, toàn tỉnh An Giang xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2014 đạt trên 14,9 ngàn tấn tương đương kim ngạch đạt trên 36,4 triệu USD, tăng 30% về trị giá so tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, đạt 66,7 ngàn tấn với kim ngạch 156,2 triệu USD, bằng 88,9% về trị giá so cùng kỳ. Trong đó, cá tra đông lạnh xuất khẩu đạt 62 ngàn tấn, tương đương 147,5 triệu USD, so với cùng kỳ lượng bằng 87% và đạt 84% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân hiện nay khoảng 2.443 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ khoảng 30 USD/tấn.

4 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp tỉnh An Giang xuất khẩu trực tiếp qua 63 nước. Trong đó thị trường Châu Mỹ (11 nước) chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp như: Mỹ, Mexico, Colombia, Brazil,… kế đến là thị trường Châu Á (25 nước) chiếm 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp như: Ả Rập Xê Út, Hồng Kông, Thái Lan,…; Châu Âu (19 nước) chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp như: Đức, Tây Ban Nha, Italia, Anh,… kim ngạch còn lại là thị trường Châu Phi (6 nước) và 2 nước của Châu Đại Dương.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu đạt mức kỷ lục

Trong 5 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt trên 170 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ.

Đây là năm giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Bạc Liêu đạt mức cao nhất. Theo đó, 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đều có lợi nhuận tốt.

Điều này đã có tác động tích cực đến giá mua nguyên liệu tại chỗ, kích thích sản xuất phát triển.

Cụ thể, giá thủy sản xuất khẩu hiện tăng từ 2-3 USD/kg đã giúp cho doanh nghiệp có điều kiện khai thác tốt nguồn hàng chế biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có ý thức cao trong việc bảo vệ thương hiệu và sản phẩm. Những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đều được đảm bảo.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, chế biến hàng có giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang được hướng dẫn về quy định, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến, tham gia chuỗi sản xuất với mô hình liên kết cộng đồng.

Thời gian tới, các cơ quan quản lý tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định thông qua việc hợp tác với người nuôi tôm. Theo đó, các đơn vị trên vừa đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến vừa chủ động kiểm soát được chất lượng nguyên liệu ngay từ cơ sở.

Ý kiến bạn đọc