Quý I/2014, xuất khẩu tôm đạt trên 798 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam. Tháng 4/2014, xuất khẩu tôm tiếp tục tăng mạnh 69% làm xuất khẩu 4 tháng tăng tới 82% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 1,12 tỷ USD. Tôm chân trắng tiếp tục vượt xa tôm sú với giá trị xuất khẩu đạt gần gấp đôi.
Nhật Bản là thị trường duy nhất trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam giảm nhập khẩu trong tháng 4/2014, trong khi xuất khẩu tôm sang các thị trường khác tăng mạnh như sang Mỹ tăng 104,4%, sang EU tăng 140,7% (trong đó, xuất khẩu sang Bỉ tăng trên 212%), sang Trung Quốc tăng 170%...
Quyết định kiểm tra Oxytetracycline (kháng sinh sử dụng trong nuôi tôm) là nguyên nhân chính dẫn đến xuất khẩu tôm sang Nhật Bản sụt giảm. 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013 với mức tăng trên 60%/tháng. Tuy nhiên, sang tháng 3/2014, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 1,2% so với tháng 3/2013. Tháng 4/2014, xuất khẩu tiếp tục giảm 15%. Do phát hiện thấy OTC trong 2 lô lôm nhập khẩu từ Việt Nam, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra đối với 100% tôm nuôi và các sản phẩm chế biến từ tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu chất này với mức giới hạn 0,2 ppm từ giữa tháng 3/2014.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam dẫn đầu xuất sang Nhật Bản hơn 13.400 tấn tôm tương đương 191 triệu đôla Mỹ, khối lượng giảm 40,2% nhưng tăng 31,9% về giá trị. Thái Lan và Indonesia đứng thứ hai và ba với số lượng khoảng 11.400 tấn và 8.800 tấn. Ấn Độ xếp vị trí thứ năm với khoảng 5.400 tấn.
Tuy nhiên thực tế, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường này, trong khi, nhập khẩu từ hai thị trường được cho là “tiềm năng” vào Nhật Bản lại giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh nhất với 41,8% về khối lượng, 34,7% về giá trị. Theo thống kê của ITC, Argentina là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 10 nước cung cấp tôm hàng đầu cho Nhật Bản. Tuy nhiên, tôm nhập khẩu từ Argentina là tôm đỏ, khác so với tôm sú của Việt Nam do vậy, Argentina không phải là “đối thủ”.
Hiện nay các doanh nghiệp đã tăng cường kiểm nghiệm OTC trong tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tuy nhiên doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu khó có thể kiểm hết được nếu như từ khâu nuôi không được ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ. Do đó, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục giảm trong quý II/2014 này. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản có thể mang lại trên 700 triệu USD mỗi năm nếu vấn đề OTC được kiểm soát tốt hơn và lợi thế tôm sú được tận dụng tối đa.
4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khá thuận lợi nhờ sản lượng tôm chân trắng nguyên liệu trong nước tăng nhanh trong khi nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Thái Lan vẫn thiếu hụt. Mặc dù giá tôm trên thị trường Mỹ đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 4 tháng đầu năm 2014 đạt 355 triệu USD, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Mỹ đang dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam với tỷ trọng tăng từ 21,4% cùng kỳ năm 2013 lên 31,6%. Xuất khẩu tôm sang Mỹ có thể sẽ tiếp tục khả quan ít nhất là trong quý 2/2014 này trước khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 vào cuối tháng 9 tới.
Giá tôm thẻ luộc xuất khẩu sang 2 thị trường chính
Giá xuất khẩu tôm thẻ luộc sang 2 thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản trong xu hướng tăng từ giữa năm 2014.
Giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ quay đầu giảm trong tháng 4/2014 với mức giảm 346 USD/tấn đạt trung bình ở mức 13.813 USD/tấn nhưng vẫn tăng 4494 USD/tấn so với tháng 4/2014.
Giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Nhật Bản tháng 4/2014 ở mức 14.593 USD/tấn, tăng 238 USD/tấn so với tháng trước và tăng 4.186 USD/tấn so với tháng 4/2013.