Rào cản thương mại
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn thanh toán nhân dân tệ tại Việt Nam
24/06/2015
 Báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương nước này(ICBC) đề xuất cho mở rộng phạm vi sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY).
 
Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc còn đề xuất cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ nhân dân tệ với các ngân hàng thương mại Việt Nam (như BIDV) đang thực hiện nghiệp vụ nhân dân tệ.
 
Viện dẫn cho kiến nghị này, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng nhu cầu giao dịch thanh toán bằng nhân dân tệ tại Việt Nam khá lớn và đang tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng thương mại Việt - Trung. Tại thị trường biên mậu hai nước, cuối năm 2013 ước tính kim ngạch thanh toán bằng CNY đạt khoảng 15 tỷ USD.
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn thanh toán nhân dân tệ tại Việt Nam. Ảnh: PV.
Trên thực tế, Trung Quốc và 2 nước có chung đường biên giới khác là Lào và Campuchia từ lâu đã ký với Việt Nam các hiệp định về mua bán hàng hóa, dịch vụ ở khu vực biên giới, cho phép thương nhân hai nước được lựa chọn thanh toán tiền mặt bằng đồng tiền của hai nước. Với Trung Quốc, ngoài Hiệp định ký năm 1998 giữa chính phủ hai nước về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, năm 2003 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn ký Hiệp định Thanh toán và hợp tác với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
 
Một quy chế riêng về hoạt động thanh toán này cũng được Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2004, áp dụng với các doanh nghiệp hai nước có quan hệ mua bán tại biên giới và khu kinh tế cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Theo đó, việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các bên tại khu vực này có thể được thực hiện bằng nhân dân tệ hoặc tiền Việt Nam theo các phương thức do hai bên mua bán thỏa thuận phù hợp với quy định.
 
Tuy nhiên, sau khi thanh toán, các thương nhân muốn mang VND và CNY qua cửa khẩu biên giới phải tuân theo quy định chặt chẽ về mang ngoại tệ tiền mặt cũng như mang VND tiền mặt khi xuất nhập cảnh. Hơn nữa, các giao dịch thanh toán tại biên giới Việt Nam phải thực hiện thông qua một ngân hàng được phép của Việt Nam ở khu vực biên giới.
 
Trong kiến nghị gửi thông qua VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng nếu thị trường thanh toán nhân dân tệ từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể quản lý nguồn vốn này hiệu quả, tăng cường thu thuế và công tác phòng chống rửa tiền.
 
Phía Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc còn lý giải, nếu tiền thanh toán thương mại từ USD và một số đồng tiền khác được thay bằng CNY thì đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến xuất siêu hay nhập siêu.
 
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đây chỉ là những ý kiến tổng hợp từ phía các doanh nghiệp, trong bối cảnh đang có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam. "Việc xem xét tính hợp lý sẽ phụ thuộc vào Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước", vị này nói.
 
Một nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, đây là báo cáo thường kỳ mà VCCI - cơ quan được Chính phủ giao tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp theo yêu cầu tại Chỉ thị 11 của Thủ tướng chứ không phải kiến nghị riêng. Báo cáo cũng nêu rõ kiến nghị đã được chuyển đến Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
 
Đây không phải là lần đầu các doanh nghiệp Trung Quốc nêu yêu cầu. Năm ngoái, kiến nghị tương tự cũng đã được Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam gửi lên Ngân hàng Nhà nước nhưng đã bị bác bỏ, tương tự như những lần đề nghị trước đây.
 
Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trước đây một ngân hàng của Trung Quốc là Bank of China đã được phép triển khai thí điểm đổi đồng nhân dân tệ, tức với những đồng nhân dân tệ vào Việt Nam hợp pháp (có tờ khai hải quan...) thì được đổi sang tiền đồng, và ngược lại có thể đổi từ đồng sang nhân dân tệ.
 
"Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ triển khai được hai năm (2011 và 2012) thì ngưng. Nguyên nhân là nghiệp vụ chuyển đổi cặp tiền VND-CNY không hiệu quả", ông Minh thông tin.
 
Liên quan đến đề xuất cho thanh toán đồng nhân dân tệ tại Việt Nam, vị quan chức này cho rằng, theo lộ trình chống ngoại tệ hoá nền kinh tế mà Nhà nước đang theo đuổi thì trên lãnh thổ Việt Nam chỉ duy nhất sử dụng đồng tiền Việt Nam.
 
Tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng và doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu bằng các đồng tiền tự do chuyển đổi, có giá trị thanh toán quốc tế như đôla Mỹ, euro, yen Nhật hay đôla Singapore... Theo nguyên tắc tự do hóa giao dịch vãng lai, các đồng tiền tự do chuyển đổi này cũng mặc nhiên được chấp nhận trong thanh toán của các nước. Trong khi đó, nhân dân tệ là đồng tiền không tự do chuyển đổi, không có giá trị thanh toán quốc tế.
 
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, việc doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ tại Việt Nam là dễ hiểu khi nước này đang đẩy mạnh quốc tế hóa đồng tiền của mình. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng do năng lực quản lý thị trường của Việt Nam còn hạn chế mà hàng hóa Trung Quốc lại đang có xu thế lấn át các sản phẩm nội địa.
 
“Đồng nhân dân tệ được phép thanh toán rộng rãi ở Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa nước này thâm nhập vào thị trường nhiều hơn, gây bất lợi cho nền kinh tế”, ông Kiêm cho biết.
 
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng phản ánh sẽ gặp rủi ro lớn nếu sử dụng nhân dân tệ là đồng tiền thanh toán trực tiếp, bởi mức độ an toàn của đồng tiền này không thể mạnh như đôla Mỹ, euro cũng như việc tự do hóa nhân dân tệ không phải "một sớm một chiều".
 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận đồng nhân dân tệ đang ngày càng quốc tế hóa mạnh mẽ so với đồng đôla Mỹ và Yên Nhật, song quy mô vẫn còn khiêm tốn. "Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở ngưỡng quá cao so với chuẩn thế giới, như một đập chứa nước khổng lồ. Việc kí kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (SWAP) như cách thức để Trung Quốc khơi thông các dòng chảy cho đập nước này nhưng chưa thực sự hiệu quả", vị này nhận xét.
 
Chung quan điểm, Tiến sĩ Lê Xuân Sang - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương đánh giá, nhân dân tệ chưa thể chuyển đổi hoàn toàn cũng như còn nhiều rào cản trong giao dịch trên cán cân vốn sẽ là những cản trở trong tiến trình quốc tế hóa đồng tiền nước này.
 
“Cần phải tính đến đầy đủ tác động của việc quốc tế hóa nhân dân tệ cũng như của các bất ổn kinh tế - tài chính toàn cầu đối với việc xây dựng, thực thi chính sách tiền tệ Việt Nam. Để từ đó, nước ta có lựa chọn thích hợp, hữu hiệu trong bối cảnh bất ổn kinh tế - tài chính nhiều nước trên thế giới và trong nước được dự báo còn tiếp diễn và tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống tài chính còn không ít khó khăn”, ông cảnh báo trong một báo cáo nghiên cứu về Trung Quốc.
 
Đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) cho thanh toán đồng nhân dân tệ ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, vốn đã được khởi động cách đây hơn một thập niên và đã được triển khai mạnh mẽ ở một số quốc gia như Mông Cổ, Nhật Bản, Nga...
 
Hiện Việt Nam là quốc gia có mối quan hệ sâu rộng với Trung Quốc. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 43,7 tỷ USD – đứng đầu trong các quốc gia đưa hàng hóa qua biên giới nước ta. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc năm qua cũng lên tới gần 29 tỷ USD, dù toàn cảnh xuất siêu 2 tỷ USD.
 
Liên quan đến đồng tiền thanh toán trong xuất nhập khẩu, nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, để tạo điều kiện trong giao thương, chủ trương hoán đổi đồng tiền trong nội bộ các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng được đưa ra vào năm 1987. Khi đó các quốc gia đã chọn đồng Ringgit của Malaysia để hoán đổi với đồng tiền các nước khác nhằm sử dụng để thanh toán trong các giao dịch nội khối. Tuy nhiên do Malaysia từ chối với lý do đồng tiền của họ vẫn yếu. Sau đó đôla Singapore (SGD) được đề xuất thay thế nhưng quốc gia này cũng từ chối. Do vậy, đề xuất này vẫn treo lại từ đó tới nay.
Ý kiến bạn đọc