Rào cản thương mại
Vốn Nhật lưỡng lự vào Việt Nam
10/06/2015
 Nhật giảm sản xuất, tăng đầu tư tài chính và dịch vụ ở Việt Nam / Gần 3.000 mặt hàng từ Nhật được áp thuế nhập khẩu 0%
Là một nước nghèo tài nguyên, kiệt quệ sau cuộc chiến giữa thế kỷ trước, Nhật Bản nhanh chóng phục hồi và trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đóng góp quan trọng cho một “Nhật Bản thần kỳ” chính là việc Chính phủ, doanh nghiệp nước này sớm nhìn ra những lợi thế từ việc đầu tư ra nước ngoài. Trong suốt những năm 80, xuất khẩu vốn của Nhật Bản tăng mạnh, xuất phát từ hai động lực chính là tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công ở các nền kinh tế đang phát triển cũng như tranh thủ được hàng rào bảo hộ mậu dịch ở các nước phát triển.
 
Toyota đang cân nhắc lại hoạt động sản xuất tại Việt Nam khi thuế suất nhập khẩu giảm về 0% vào năm 2018.
Gần đây, nền kinh tế rơi vào suy thoái, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phải áp dụng chính sách phá giá đồng yen để kích cầu trong nước, tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường nước ngoài.
 
Đầu năm nay, truyền thông quốc tế đưa tin hai nhà sản xuất Daikin và TDK đang tìm kiếm cơ hội để di chuyển một phần hoạt động ở nước ngoài về Nhật Bản trong bối cảnh đồng yen suy yếu. Ông Noriyuki Inoue - Chủ tịch của Daikin cho biết công ty sẽ tập trung sản xuất điều hòa tại nhà máy ở Shiga thay cho công xưởng tại Trung Quốc, trong khi TDK cũng xem xét chuyển một số đơn hàng sản xuất linh kiện điện tử về nhà máy ở tỉnh Akita.
 
Trước đó, Panasonic cũng cân nhắc rút các dây chuyền sản xuất ở nước ngoài về nước, sau khi đồng yen chạm đáy 7 năm so với đồng đôla Mỹ. Chủ tịch Panasonic Kazuhoro Tsuga cho biết ông hy vọng có thể lôi kéo khách hàng vào các sản phẩm “Made in Japan”, tức sản xuất ở Nhật Bản.
FDI từ Nhật vào Việt Nam giảm mạnh
Là nước có quan hệ hợp tác với Nhật Bản suốt 40 năm, Việt Nam cũng không thể tránh được xu thế trên. Báo cáo của Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài cho hay nguồn vốn từ Nhật Bản quý I/2015 đạt 294 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho hay năm 2014, số dự án Nhật Bản được cấp phép tại Việt Nam thấp nhất trong 3 năm qua, tổng vốn đăng ký cũng chưa bằng một nửa hai năm trước.
 
Đặc biệt, ngành sản xuất từng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài giảm tới 53 dự án, vốn cũng sụt gần 30% từ gần 1,2 tỷ USD năm 2013 xuống gần 830 triệu USD năm 2014.
 
Theo ông Yasuzumi Hiro - Giám đốc điều hành Jetro tại TP HCM, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam giảm chủ yếu do đồng yen mất giá so với đồng đôla Mỹ. "Nếu lúc trước chỉ cần đầu tư 100 đồng thì nay cần đến 150 đồng khiến nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỷ giá cải thiện", ông Hiro cho biết. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chưa có nhiều điểm sáng rõ, Nhật Bản cũng dồn vốn vào trong nước để tái thiết, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhà xưởng ở khu vực đã xảy ra động đất, sóng thần cách đây 3 năm
 
"Điều này lý giải vì sao số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam không giảm nhiều nhưng số vốn đầu tư mở rộng lại giảm khá mạnh. Tất cả là do tâm lý chờ thời của doanh nghiệp Nhật Bản", đại diện Jetro lý giải.
 
Đồng quan điểm, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đặng Xuân Quang nhận định việc kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khiêm tốn trong những năm qua và chính sách Abenomics đã khiến nhà đầu tư Nhật Bản chú tâm vào sản xuất trong nước hơn là đầu tư ra bên ngoài.
 
Đặt câu hỏi liệu các doanh nghiệp Nhật Bản lũ lượt trở về nước hay không, nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng này rất khó và hiện tượng "Made in Japan" chỉ là tạm thời. “Tốc độ sản xuất ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản có thể chậm lại đôi chút nếu đồng yen tiếp tục giảm giá nhưng không thể giảm mạnh, trừ phi kinh tế Nhật Bản gặp vấn đề trong dài hạn”, CNBC trích báo cáo của Goldman Sachs.
 
Ngân hàng Nomura cũng cho rằng nhiều công ty Nhật Bản vẫn còn quen thuộc với mô hình sản xuất trong nước chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa. "Hoạt động sản xuất ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản có thể chững lại, nhưng không thể bị đảo ngược", nhà băng này phân tích. Theo ước tính của Nomura, vào cuối thập niên 1980, chỉ có gần 5% công ty của quốc gia này sản xuất sản phẩm ở nước ngoài, song con số này đã tăng lên 21,6% vào năm tài khóa 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 25,5% vào năm tài khóa 2018.
 
Ryutaro Kono - Kinh tế trưởng của BNP Paribas đánh giá việc rút về nước chỉ vì đồng yen mất giá sẽ là sự lãng phí lớn, bởi hiện nay đồng tiền này còn cao hơn rất nhiều so với đầu thập niên 2000. "Việc chuyển nhà máy từ nước ngoài về không chỉ gây nguy cơ lặp lại tình trạng dư thừa nguồn cung vốn đã đeo đẳng ngành điện tử Nhật Bản suốt nhiều năm, mà còn đồng nghĩa với việc áp dụng mô hình kinh doanh chỉ khả thi với tỷ giá đồng yen siêu rẻ như hồi năm 1973", ông Kono cho hay.
 
Về phía Việt Nam, ông Quang khẳng định Nhật Bản giảm đầu tư chỉ diễn ra trong ngắn hạn, về dài hạn họ sẽ tiếp tục đẩy vốn ra bên ngoài. Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP HCM mới đây, ông Yasuzumi Hirotaka, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH) cũng bày tỏ đây chỉ là hiện tượng tạm thời vì số doanh nghiệp Nhật đến văn phòng Jetro tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam không hề giảm, thậm chí đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tăng mạnh.
 
Áp lực giảm thuế nhập khẩu
 
Hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ cũng đặt Việt Nam đứng trước kịch bản các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giảm sản xuất và tăng cường nhập khẩu hàng hóa về bán ở thị trường trong nước. Bộ Tài chính mới đây đã công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019. Theo đó, từ 1/4/2015, hơn 3.200 dòng thuế tập trung vào các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử, linh kiện... từ Nhật Bản chuyển sang Việt Nam sẽ có thuế suất 0%. Cùng với đó, để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, nhiều hàng hóa nhập từ các nước trong khu vực sẽ rẻ hơn sản xuất trong nước.
 
"Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn nhập linh kiện về lắp ráp, việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là vấn đề lớn", ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc hãng xe Toyota Việt Nam phát biểu trước báo giới.
 
Sau gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang đứng trước lựa chọn có tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu bởi đến năm 2018 hàng rào thuế quan trong khu vực sẽ chính thức không còn, mà để sản xuất một mẫu xe cũng cần tới 3 năm để chuẩn bị.
 
Những tháng đầu năm nay, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng tăng đột biến. Quý I/2015, ước tính có 23.000 chiếc được đưa vào trong nước, tổng trị giá 537 triệu USD, tăng 216% về số lượng và 255% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm gấp tới 5 lần cùng kỳ năm ngoái, từ Hàn Quốc gấp rưỡi, Nhật Bản tăng 85%, Thái Lan gấp đôi...
 
Mặt khác, một số doanh nghiệp Nhật Bản lại nhìn thấy cơ hội khi thuế suất bằng 0. Ông Tadahito Yamamoto - Chủ tịch kiêm Trưởng đại diện Fuji Xerox cho biết hãng đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam để nơi đây trở thành trung tâm phân phối cho thị trường toàn cầu.
 
"Năm 2018 thuế suất sẽ bằng 0 nên công ty đang tăng cường đầu tư, đẩy mạnh công tác tiếp thị, mở thêm các chi nhánh ở Myanmar, Campuchia và Lào. Nhà máy tại Hải Phòng sẽ được đẩy mạnh để đạt công suất tối ưu, trở thành đơn vị mạnh nhất trong khu vực", vị này chia sẻ. Ông Yamamoto cũng khẳng định không thể ngồi chờ 3 năm nữa để thuế giảm mà phải bắt đầu ngay từ bây giờ để tránh bị thụt lùi, mất thị trường.
 
Hay với các nhà bán lẻ, thuế giảm cũng là cơ hội để bành trướng. Aeon hiện đã có hai trung tâm mua sắm ở Việt Nam và đặt mục tiêu gấp 10 lần con số này đến năm 2020. Nhà đầu tư này kỳ vọng sẽ thành công trong việc thu hút khách hàng Việt bằng dịch vụ của người Nhật, khi một phần ba lượng gian hàng, sản phẩm bán ở Aeon Mall Việt Nam xuất xứ từ đất nước "Mặt trời mọc".
 
Như vậy, trong bối cảnh luồng vốn đầu tư từ thị trường Nhật Bản đang có nhiều biến động, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước cần phải tự khẳng định mình để không rơi vào cảnh phụ thuộc hay mất thị trường. Báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất xuất toàn cầu, thấp so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chi phí nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam ước tính lên đến 90% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế tác của Việt Nam ra nước ngoài.
 
"Để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần nỗ lực tăng cường sự phối hợp liên ngành, đặc biệt trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có chiến lược cho từng ngành để hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp và tạo quy mô kinh tế", ông Tomoyuki Kimura – Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam khuyến nghị.
 
Riêng với lĩnh vực ôtô, nhóm công tác của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho hay Việt Nam cần có một chính sách cụ thể hơn dù Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt. "Chính sách xe chiến lược đã giúp ngành ôtô của các nước ASEAN khác tăng trưởng nhanh chóng, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí và đặc biệt là mở rộng hoạt động sản xuất xe lắp ráp trong nước. Làm rõ chủ trương về xe chiến lược sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất lập kế hoạch", nhóm công tác chia sẻ.
 
Về phía cơ quan quản lý, theo ông Quang, thời gian tới Cục Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rà soát lại các quy định, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài trong việc đầu tư. "Mặc dù không tác động trực tiếp làm tăng giảm dòng vốn nhưng xúc tiến đầu tư có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu môi trường kinh doanh Việt Nam. Năm 2015, quản lý xúc tiến đầu tư sẽ được làm nghiêm túc, tránh trùng lặp, chồng chéo và không hiệu quả", ông nói.
 
Ý kiến bạn đọc