Rào cản thương mại
Doanh nghiệp xuất khẩu xin được tiếp tục vay ngắn hạn đô la Mỹ
27/04/2016
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đã gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước để đề nghị xem xét sửa một quy định trong Thông tư 24 nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp thuỷ sản vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện đơn hàng xuất khẩu thường vay đô la Mỹ và bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng Việt Nam sử dụng trong nước cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhằm hưởng lãi suất thấp từ vay ngoại tệ. Tuy nhiên, theo quy định trong Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, việc cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu chỉ được thực hiện đến hết ngày 31-3-2016. Quy định mới này nhằm mục đích chống đô la hóa, giảm áp lực về ngoại tệ.

Trả lời TBKTSG Online, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ Điểm c, Khoản 1, Điều 3 Thông tư 24 để doanh nghiệp xuất khẩu thủy có thêm cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, xuất khẩu vì ngành thuỷ sản đã gặp khó khăn trong năm 2015 và hiện nay mới bắt đầu phục hồi, nên doanh nghiệp cần nguồn vốn rẻ để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Hoè giải thích, cơ sở để VASEP có kiến nghị này là hiện nay lãi vay ngắn hạn tiền đồng Việt Nam là 7%/năm, trong khi, lãi suất vay đô la Mỹ là 2%/năm. Do đó, doanh nghiệp vay đô la Mỹ và đổi ra tiền đồng Việt Nam sẽ được hưởng lãi suất vay thấp hơn, giảm chi phí đầu vào và qua đó giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

“Những năm trước, tỷ giá luôn có những biến động nên vay đô la Mỹ hay vay đồng Việt Nam doanh nghiệp đều phải chịu chi phí vay tương tự nhau, nhưng năm nay, tỷ giá ổn định nên việc cho doanh nghiệp vay đô la Mỹ để lấy vốn phục vụ sản xuất kinh doanh có lợi hơn cho doanh nghiệp”, ông Hòe cho biết.

Tuy nhiên, trước vấn đề này, cũng có ý kiến lo ngại, nếu cho doanh nghiệp vay đô la Mỹ thì có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp vay xong đổi sang tiền đồng Việt Nam và gửi ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất, tức là doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh ngoại tệ hơn là đầu tư cho hoạt động sản xuất.

Ông Hòe cũng thừa nhận những lo lắng như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, ông cho rằng không thể viện lý do này để không cho doanh nghiệp vay đô la Mỹ.

“Nếu đã cho doanh nghiệp vay đô la Mỹ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách để kiểm soát vấn đề này hơn là viện dẫn lý do này để không cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, ông Hòe nói.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu luôn có nguồn ngoại tệ thu về từ bán hàng để trả lại khoản vay, vì thế, nếu cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh của mình.

Trước đó, Tổng giám đốc của một công ty may xuất khẩu có trụ sở tại TP.HCM chuyên thực hiện đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm - PV), với doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng, cho biết lâu nay doanh nghiệp này vẫn vay ngắn hạn đô la Mỹ rồi chuyển thành tiền đồng, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có trả lương cho công nhân.

Vị này cho biết, sau khi tính toán cụ thể, số tiền lãi suất vay mà công ty phải trả thêm khi không được vay với hình thức như trên là 3 tỉ đồng/năm.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Ý kiến bạn đọc