Dự thảo này nhằm xử lý vấn đề được các bên quan tâm chặt chẽ liên quan đến việc các bên tư nhân, bao gồm cả các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu Hoa Kỳ có cạnh tranh với nhau, mà có thể có lợi từ việc thu thuế AD, CVD.
1. Thuế AD/CVD
Theo quy định của WTO, bán phá giá trong thương mại quốc tế là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa được xuất khẩu (bán sang thị trường nước khác) với giá thấp hơn giá bán của mặt hàng đó tại thị trường nước xuất khẩu; và trợ cấp là bất kỳ hỗ trợ tài chính nào của Nhà nước hoặc của một tổ chức công mang lại lợi ích cho doanh nghiệp/ngành sản xuất.
Thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp là loại thuế bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu thông thường nhằm chống lại việc bán phá giá/trợ cấp và loại bỏ những thiệt hại do việc hàng nhập khẩu bán phá giá/trợ cấp gây ra.
Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, việc điều tra áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ được tiến hành bởi hai cơ quan độc lập: (i) Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chịu trách nhiệm điều tra về việc liệu có tồn tại việc bán phá giá/trợ cấp và các nhà xuất khẩu nước ngoài có thực sự hưởng lợi từ chương trình trợ cấp đó không; và (ii) Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) chịu trách nhiệm điều tra về việc liệu ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ có thực sự bị thiệt hại do tác động của hành vi bán phá giá/trợ cấp bị cáo buộc gây ra hay không.
Nếu cả DOC và ITC đưa ra kết luận khẳng định, DOC sẽ ban hành Lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, theo đó, sẽ thiết lập mức ký quỹ đối với các lô hàng của sản phẩm bị điều tra (các lô hàng này sẽ được nhập khẩu vào Hoa Kỳ ở mức ký quỹ này trừ khi các bên có liên quan đề nghị rà soát hành chính để xem xét lại mức thuế cuối cùng). CBP có trách nhiệm thu tiền ký quỹ và thuế áp trên sản phẩm nhập khẩu bị áp thuế.
Trốn thuế AD/CVD
Luật pháp Hoa Kỳ quy định trốn thuế AD/CVD nghĩa là việc nhập khẩu hàng hóa vào lãnh thổ hải quan của Hoa Kỳ nhưng lại thực hiện các hành vi sai trái hoặc nghiêm trọng gây ra hậu quả làm giảm hoặc không phải nộp số thuế AD/CVD đáng lẽ phải nộp. Cụ thể, trốn thuế có thể bao gồm, nhưng không giới hạn, bởi các hành vi sau: (i) gian lận trong khai báo xuất xứ (C/O), chuyển tải hàng hóa; (ii) gian lận trong dán nhãn hoặc khai báo mã HS của hàng hóa; (iii) sử dụng hóa đơn (invoices) gian lận để khai báo gian lận về nhà sản xuất sản phẩm; (iv) khai báo thấp giá trị hàng hóa nhằm giảm số thuế phải nộp; hoặc (v) không khai báo về hàng hóa trong tờ khai hàng nhập (entry documents)/buôn lậu.
Cần phân biệt rõ hai hành vi trốn thuế (evasion) và lẩn tránh thuế (circumvention). Mặc dù mục đích của hai hành vi này là giống nhau, tuy nhiên hành vi lẩn tránh thuế thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), và chủ yếu chỉ liên quan tới việc nhà xuất khẩu sử dụng các cách thức khác nhau (VD: nhập khẩu bộ phận và lắp ráp tại nước thứ ba, thay thế một số bộ phận của sản phẩm,…) làm thay đổi xuất xứ hàng hóa nhằm tránh việc phải nộp thuế AD/CVD. Trong khi đó, trốn thuế liên quan đến các hành vi vi phạm mang tính nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể bị truy tố về mặt hình sự. Theo luật hải quan hiện hành của Hoa Kỳ, Cơ quan hải quan Hoa Kỳ CBP có thể tiến hành các hành động thực thi nhằm chống lại việc trốn thuế AD/CVD, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp phạt dân sự đối với nhà nhập khẩu trốn thuế. Đối với các hành vi trốn thuế mang tính hình sự sẽ do Cơ quan nhập cư và thực thi hải quan Hoa Kỳ (ICE) tiến hành.
3. Quy định mới về quy trình điều tra trốn thuế
3.1. Thông tin chung
Ngày 24 tháng 2 năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã ký ban hành Đạo luật về Thuận lợi và thực thi thương mại năm 2015 (gọi tắt là TFTEA), trong đó có Phần IV về Chống Trốn thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp (gọi tắt là quy định EAPA). Trong đó, Mục 421 của EAPA đưa ra các quy định sửa đổi về quy trình điều tra trốn thuế AD/CVD, và yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ khi Đạo luật TFTEA được thông qua, phải xây dựng được các quy định pháp luật cần thiết để cụ thể hóa các sửa đổi được nêu tại Mục 421.
Theo đúng quy định, ngày 22 tháng 8 năm 2016 (180 ngày sau khi đạo luật TETFA được thông qua), CBP và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã đăng dự thảo quy định mới về quy trình điều tra trốn thuế AD/CVD trên Công báo liên bang để các bên liên quan đưa ra bình luận. Thời hạn bình luận là 60 ngày kể từ ngày đăng công báo (tức là trước ngày 21/10/2016). Thu thuế AD/CVD được CBP xếp vào một trong bốn vấn đề “Vấn đề thương mại ưu tiên” (Priority Trade Issues) được đánh giá là chứa đựng rủi ro thất thu thuế cao, có thể gây tác động xấu tới kinh tế Hoa Kỳ. Việc ban hành quy định mới nêu trên là một phần trong chuỗi nỗ lực của CBP nhằm minh bạch hóa và công khai hóa các quy trình điều tra của mình dưới sức ép từ Chính phủ Hoa Kỳ và các cáo buộc của các nhà lập pháp về việc CBP thường xuyên chậm trễ, thiếu minh bạch trong việc xử lý các cáo buộc trốn thuế. Cụ thể, theo quy định cũ, với các cáo buộc trốn thuế do các bên tư nhân đưa ra, các bên này không được phép tham gia vào cuộc điều tra, và CBP cũng không có nghĩa vụ phải thông báo cho các bên đưa ra cáo buộc về kết quả của cuộc điều tra. Trước đó, vào tháng 5/2012, Văn phòng giải trình Chính phủ (GAO) cũng đã ban hành một báo cáo về “Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp: các biện pháp quản lý cần thiết để cải thiện các nỗ lực phát hiện và ngăn cản trốn thuế”. Theo đó, GAO kết luận rằng “CBP không theo dõi một cách có hệ thống hoặc không báo cáo các thông tin kết quả chính mà lãnh đạo CBP và Quốc hội có thể sử dụng để đánh giá và cải thiện các nỗ lực của CBP để ngăn cản và phát hiện việc trốn thuế AD/CVD”.
Quy định mới về quy trình điều tra trốn thuế AD/CVD của CBP được đánh giá là đã tạo một khuôn khổ minh bạch, rõ ràng hơn cho CBP tiến hành các cuộc điều tra của mình.
3.2. Nội dung quy định mới của CBP
Như đã nói ở trên, mục 421 EAPA yêu cầu các bên có liên quan (CBP và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ) ban hành các quy định cụ thể hóa các sửa đổi nêu tại mục 421. Bằng việc ban hành các quy định cụ thể này, CBP đã bổ sung thêm đoạn 165 (part 165) vào Khoản mục 19 trong Bộ Luật liên bang Hoa Kỳ (19 U.S.C) với nội dung quy định về quy trình điều tra các cáo buộc trốn thuế AD/CVD.
Về cơ bản, quy trình điều tra trốn thuế AD/CVD của CBP gồm các giai đoạn tương tự như quy trình điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp. Nội dung quy trình điều tra của Hoa Kỳ cũng tương tự như quy trình điều tra của EU (tuy nhiên thời gian điều tra và giai đoạn điều tra ngắn hơn). Cụ thể nội dung quy định mới về quy trình điều tra trốn thuế AD/CVD của CBP như sau:
Cơ quan điều tra: Tổng vụ Thực thi pháp luật phòng vệ thương mại của CBP.
Thời gian điều tra: 300 ngày (có thể gia hạn thêm 60 ngày trong trường hợp vụ việc cực kỳ phức tạp) (thời gian điều tra của EU là 12 tháng).
Giai đoạn điều tra: trong vòng 01 năm trước ngày bị khiếu kiện (giai đoạn điều tra của EU là trong vòng 03 năm trước ngày bị khiếu kiện).
Khởi xướng điều tra: Điều 421 EAPA yêu cầu Ủy viên của CBP phải khởi xướng trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được cáo buộc hợp lệ từ các bên có liên quan (interested party) hoặc từ các Cơ quan liên bang khác. EAPA cũng yêu cầu CBP trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi ra quyết định không khởi xướng phải thông báo tới bên đưa ra cáo buộc. Các bên có liên quan được định nghĩa bao gồm các nhà sản xuất xuất khẩu (SXXK) nước ngoài, hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm bị điều tra, các nhà sản xuất hàng hóa tương tự tại Hoa Kỳ; các hiệp hội ngành hàng tại Hoa Kỳ; hoặc một liên hiệp hoặc tổ chức người lao động được công nhận đại diện cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự tại Hoa Kỳ. CBP sẽ thông báo cho tất cả các bên được biết đến trong vòng 95 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Trả lời bản câu hỏi:
+ EAPA quy định CBP có thể áp dụng các phương pháp thích hợp để thu thập thông tin, bao gồm việc đưa ra bản câu hỏi điều tra với Nguyên đơn, nhà SXXK, nhà nhập khẩu bị cáo buộc trốn thuế và Chính phủ nước xuất khẩu. CBP có thể đưa ra kết luận dựa trên yếu tố sẵn có bất lợi (Adverse Facts Available - AFA) nếu các bên không hợp tác cung cấp thông tin, tuy nhiên CBP sẽ không sử dụng AFA với Chính phủ nước xuất khẩu nếu Chính phủ nước này không trả lời bản câu hỏi.
+ Tất cả các tài liệu cung cấp cho CBP trong quá trình điều tra phải bằng tiếng Anh, dưới dạng văn bản.
Ra quyết định sơ bộ
+ Trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng, CBP có thể áp dụng biện pháp tạm thời nếu có lý do hợp lý để nghi ngờ có việc trốn thuế.
+ Các biện pháp có thể áp dụng: (i) Hoãn việc thanh khoản các lô hàng chưa thanh khoản sau ngày khởi xướng; (ii) kéo dài thời hạn để thanh khoản các lô hàng chưa thanh khoản đã nhập khẩu vào Hoa Kỳ trước ngày khởi xướng; (iii) áp dụng biện pháp bổ sung cần thiết khác, như: nộp tiền ký quỹ, thanh khoản lại các lô hàng bị điều tra, …
Thẩm tra tại chỗ: CBP có thể tiến hành thẩm tra tại chỗ để xác minh thông tin đã nhận được từ các bên có liên quan.
Ra quyết định cuối cùng: nếu CBP kết luận khẳng định có sự trốn thuế, CBP sẽ: (i) ngừng thanh khoản các lô hàng chưa thanh khoản của hàng hóa bị điều tra; (ii) kéo dài thời hạn để thanh khoản các lô hàng chưa thanh khoản đã nhập khẩu vào Hoa Kỳ trước ngày khởi xướng; (iii) trong trường hợp cần thiết, thông báo Bộ Thương mại (DOC) và yêu cầu DOC xác định mức thuế thích hợp cho hàng hóa bị điều tra; (iv) yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền ký quỹ và đánh giá mức thuế phải nộp với hàng hóa bị điều tra; và/hoặc (v) áp dụng các biện pháp thực thi bổ sung khác mà CBP cho là phù hợp nhằm đảm bảo thu đủ số thuế đáng lẽ phải thu, bao gồm sửa đổi các thủ tục của CBP để phát hiện khả năng trốn thuế trong tương lai, thanh khoản lại các lô hàng theo quy định pháp luật và đưa vấn đề ra ICE để điều tra một vụ việc dân sự hoặc hình sự.
Trong vòng 30 ngày làm việc sau khi ra quyết định cuối cùng, Nguyên đơn hoặc Bị đơn có thể đề nghị rà soát hành chính lại quyết định này (de novo administrative review). Trong vòng 60 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị, CBP phải hoàn thành việc rà soát và đưa ra quyết định hành chính cuối cùng.
Các bên có thể yêu cầu rà soát tư pháp quyết định rà soát hành chính này lên Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong vòng 30 ngày làm việc sau khi CBP đưa ra quyết định cuối cùng.
3. Một số nhận xét, đánh giá
Tờ Politico Morning Trade nhận định rằng, quy định EAPA đã giúp giải tỏa được mối lo ngại của các nhà lập pháp về việc CBP không tích cực điều tra các khiếu nại trốn thuế, đồng thời cũng là một bước tiến lớn nhằm thực thi chặt chẽ hơn các quy định pháp luật về thương mại của Hoa Kỳ.
Hãng luật Sidley (Hoa Kỳ) nhận định rằng quy định mới này có thể sẽ làm tăng xu hướng các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc trốn thuế với CBP, đồng thời cũng đưa ra một loạt khuyến nghị cho các bên có liên quan, như nhà nhập khẩu cần đánh giá cẩn trọng về tác động của quy định mới đến hoạt động của họ, và các bước tiếp theo cần tiến hành để tránh các cáo buộc trốn thuế và nếu cần thiết, nên tích cực tham gia vào các vụ việc điều tra để bảo vệ quyền lợi của mình.
Hãng luật Mayer Brown (Hoa Kỳ) lại cho rằng cơ hội và rủi ro đi liền với nhau khi CBP tăng cường các nỗ lực của mình nhằm củng cố việc thực thi các lệnh áp thuế AD/CVD. Và các bên có lợi ích liên quan nên tận dụng giai đoạn lấy ý kiến công khai để đưa ra bình luận của mình.