Rào cản thương mại
Hàng rào kỹ thuật thủy sản xuất khẩu sang Mỹ rất khắt khe
02/10/2015
 Hàng rào kỹ thuật trong thương mại hiện tồn tại với mọi ngành sản xuất, nhưng nó đặc biệt tác động lớn đối với quá trình trao đổi những sản phẩm nông sản chế biến, trong đó có thủy sản.
 
   Trên thực tế, thuỷ sản nhập vào thị trường Mỹ không quản lý bằng hạn ngạch mà quản lý bằng hai biện pháp chủ yếu: Thuế nhập khẩu thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ bằng các biện pháp kỹ thuật: vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường đánh bắt và nuôi trồng.
 
   Những năm gần đây, tiêu chuẩn kỹ thuật thủy sản nhập khẩu vào Mỹ ngày càng khắt khe khiến cho ngư dân Việt Nam nhiều phen điêu đứng.
Trong tất cả các quốc gia trên thế giới, thị trường Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường khó tính nhất, không chỉ bởi người tiêu dùng rất khắt khe, mà còn vì các luật lệ, các quy định kỹ thuật đặt ra đối với hàng hoá nhập khẩu rất cao.
 
   Luật Thực phẩm của Mỹ đã quy định rằng: "Các thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ không chỉ là đối tượng chịu thuế nhập khẩu mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và phẩm cấp để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn".
 
   Mặt khác, không phải mọi doanh nghiệp có hàng thuỷ sản đều có thể đưa hàng vào Mỹ. Mọi tiến trình nhập khẩu thủy sản vào Mỹ đều phải trải qua hai bước: Bước 1, doanh nghiệp tự mình hoặc thông qua nhà nhập khẩu gửi chương trình kiểm soát an toàn trong chế biến thuỷ sản để cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp nhận từng doanh nghiệp. Bước 2, công nhận ở cấp quốc gia thông qua ký kết văn bản ghi nhớ giữa FDA và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát vệ sinh an toàn ở nước xuất khẩu.
Theo đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật thủy sản nhập khẩu vào Mỹ được chia thành 3 nhóm chính:
 
- Các quy định về dịch tễ vệ sinh an toàn: Các quy định này được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của người, vật nuôi và cây trồng.
 
- Các biện pháp đối với người tiêu dùng: Các biện pháp quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm bao gồm nhãn mác, đóng gói, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất.
 
- Các biện pháp thương mại: Các biện pháp được thực hiện nhằm ngăn chặn gian lận thương mại bao gồm các chứng từ vận chuyển và tài chính, các tiêu chuẩn nhận dạng và các tiêu chuẩn đo lường.
 
   Trong những năm gần đây, hai vấn đề nổi cộm về chất lượng thủy sản nhập khẩu vào thị trường Mỹ là nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Trifluraline và dư lượng kháng sinh nhóm Quinolone.
 
   Năm 2009, Mỹ và EU cảnh báo lô hàng cá tra, cá basa Việt Nam có nhiễm Trifluraline. Theo thống kê xuất khẩu thủy sản năm 2010, nước ta phát hiện 18 mẫu: 11 mẫu cá tra, 4 mẫu cá rô phi, 2 mẫu tôm sú, 1 mẫu cá lóc có chứa kháng sinh Trifluraline vượt mức cho phép xuất khẩu.
 
   Do bị ảnh hưởng của các rào cản kỹ thuật đã làm cho nhiều doanh nghiệp bỏ dần thị trường truyền thống giá cao này mà tập trung mở rộng xuất khẩu sang thị trường dễ tính hơn ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Arab... do các nước nói trên chưa đặt ra các rào cản kỹ thuật nghiêm khắc.
 
   Trong chuyến viếng thăm của đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Hoa Kỳ do Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nêu những vấn đề cụ thể và đề nghị lãnh đạo, nhân dân hai nước cùng ủng hộ, thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, đặc biệt chú ý giảm các rào cản kỹ thuật thương mại cho các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Ý kiến bạn đọc