Philippines gần đây đã thực hiện các cải cách kinh tế trong nước và thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị (viễn thông internet, quản lý rác thải, nguồn nước,…) đồng thời tìm kiếm cơ hội thắt chặt quan hệ với một số cường quốc phương tây thông qua các Hiệp định thương mại tự do để vừa phát triển kinh tế vừa tranh thủ sự ủng hộ của các nước này trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Về phía EU, quyết định đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Philippines là một bước đi tiếp theo sau khi Liên minh này kết thúc đàm phán hai Hiệp định thương mại tự do với Singapore và Việt Nam trong Chiến lược chuyển hướng thương mại tới khu vực Đông Nam Á. Tiến triển đàm phán nhanh chóng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dường như ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định của Philippines.
Ngoài nội dung thương mại hàng hóa, Hiệp định thương mại tự do Philippines – EU sẽ bao gồm các cam kết về mua sắm công, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, tự do hoá dịch vụ và đầu tư. Philippines mong muốn đạt được thoả thuận với EU về mở cửa thị trường nông sản, linh kiện điện tử và xe hơi. Đây là những mặt hàng còn chịu mức thuế cao tại EU. EU muốn Philipines xoá bỏ hơn 40% dòng thuế hiện đang áp dụng trên 10% đối với một số sản phẩm của các nước thành viên để các doanh nghiệp EU có thể tiếp cận thị trường Philippines thuận lợi hơn. Philippines thậm chí còn sẵn sàng đàm phán hẳn một chương về phát triển bền vững theo đề nghị của EU. Bên cạnh các cam kết mở cửa thị trường, EU kỳ vọng Philippines có thể chấp nhận những giá trị dân chủ, nhân quyền của châu Âu và có hình thức thể hiện điều này trong Hiệp định thương mại.
Cùng với việc chuẩn bị đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU, Philippines cũng đang cân nhắc tham gia TPP – một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được cho là có ảnh hưởng to lớn đến thương mại Thế giới trên cả bình diện tích cực đối với các nước tham gia và có thể cả bình diện tiêu cực đối với một số nước không tham gia .
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Lúc-xăm-bua, Ủy ban châu Âu)