Trao đổi với TBKTSG Online chiều nay, 19-3, ông Phạm Thanh Thọ, một thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện có giá 4.900-5.000 đồng/kg, tăng 300-350 đồng/kg so với mức giá ghi nhận được cách nay chỉ 5 ngày; gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện có giá 7.000-7.100 đồng/kg so với mức 6.700-6.750 đồng/kg vào hôm 14-3.
Theo ông Thọ, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, trong khi nguồn cung lúa hàng hóa ngoài đồng đang khan hiếm dần là nguyên nhân khiến giá lúa gạo bật mạnh trở lại. “Hiện nay, thị trường tiêu thụ rất sôi động, lượng gạo được doanh nghiệp đóng hàng đi Bắc cũng tăng lên thấy rõ”, ông cho biết.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, nhận định nhu cầu của Trung Quốc tăng, và dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết năm nay Trung Quốc sẽ nhập đến 5 triệu tấn gạo, trong khi họ biết tình hình khu vực ĐBSCL hạn hán như vậy, cho nên họ đã tăng mua, “có thể họ không mua bằng đường chính ngạch, mà mua bằng đường tiểu ngạch”, ông Bích dự báo.
Còn thông tin từ ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) gửi đến người viết, cho thấy lũy kế đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến ngày 29-2-2016 đạt 2,248 triệu tấn, tăng 63,25% so với cùng kỳ 2015 (bao gồm hợp đồng đăng ký năm 2015 chuyển sang là 1,12 triệu tấn, đã trừ số hợp đồng bị hủy).
Như vậy, sau khi trừ đi số lượng hợp đồng xuất khẩu đã thực hiện là hơn 856.000 tấn, thì lượng hợp đồng còn lại phải giao hàng từ tháng 3-2016 là 1,392 triệu tấn, tăng 46% so vói cùng kỳ năm ngoái (trong đó, hợp đồng tập trung là 365.000 tấn và hợp đồng thương mại là 1,027 triệu tấn).
Trong bối cảnh lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu còn lại chờ giao tăng mạnh như vậy (46%), thì với việc nguồn cung trong nước bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra khá nghiêm trọng ở ĐBSCL đã tạo nên cơn sốt về nguồn cung.
Thực tế, số liệu được ông Lê Thanh Tùng, Phó phòng cây lương thực thực phẩm thuộc Cục Trồng trọt ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL thích ứng với xâm nhập mặn” diễn ra hôm qua 18-3, tại Cà Mau cho thấy vụ đông xuân 2015-2016, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL sẽ giảm đến 300.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí, có một số thông tin cho biết sẽ giảm đến 1 triệu tấn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty lương thực Vạn Lợi (Tiền Giang), cho biết yếu tố quan trọng khiến giá lúa gạo nội địa tăng mạnh thời gian gần đây là do đang có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung giữa xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch.
“Điều này cũng dễ hiểu thôi, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch đang cần mua gạo để thực hiện tiếp phần còn lại của hợp đồng đã ký, thì cũng đúng lúc nguồn hàng ra phía Bắc đang lên, cho nên giá tăng thôi”, ông cho biết.
Trao đổi với TBKTSG Online, một số thương lái lẫn doanh nghiệp xuât khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết gần đây cũng đã xảy ra tình trạng thương nhân xuất khẩu gom hàng, bởi có một số dự đoán từ nửa cuối năm 2016 các nước như Indonesia, Philippines sẽ tiếp tục mua gạo trở lại. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ có khoảng 30% diện tích lúa hè thu 2016 của ĐBSCL (tương đương 500.000 héc ta) sẽ không thể xuống giống đúng như dự kiến vì hạn và xâm nhập mặn. “Như vậy, ai có gạo trong tay vào những thời điểm đó thì cơ hội thắng sẽ rất lớn”, ông Phong dự báo.
Theo http://www.thesaigontimes.vn/