Rào cản thương mại
Khốn đốn rào cản dư lượng
16/09/2013

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm của VASEP, ngoài Nhật Bản, mới đây đã có thêm một nước nữa là Hàn Quốc tiến hành kiểm soát dư lượng Ethoxyquin với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Từ ngày 19/11/2012, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện công việc này, và ngưỡng dư lượng Ethoxyquin được áp dụng ở mức rất thấp như Nhật Bản là 0,01 ppm. Đã có một số lô hàng tôm Việt Nam bị phía Hàn Quốc phát hiện có dư lượng Ethoxyquin vượt ngưỡng nêu trên.

Ông Hồ Quốc Lực cho hay Hàn Quốc chưa phải là thị trường lớn của tôm Việt Nam, nên việc họ dựng lên rào cản mang tên Ethoxyquin sẽ chưa ảnh hưởng mấy tới xuất khẩu tôm nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu tôm hiện nay và trong năm tới đang và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, việc có thêm một thị trường dựng lên rào cản Ethoxyquin sẽ ít nhiều gây thêm khó khăn về đầu ra cho con tôm Việt Nam.

Vả lại, dù chưa phải là thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU hay Trung Quốc, nhưng giá trị xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc cũng không hề nhỏ. Từ đầu năm tới giữa tháng 11, các doanh nghiệp đã xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt giá trị gần 142 triệu USD.

Trong khi đó, rào cản Ethoxyquin vẫn đang khiến cho các DN tôm Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khốn đốn khi xuất hàng sang Nhật Bản. Theo VASEP, dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc tự kiểm soát chất lượng, nhưng các doanh nghiệp tôm khó có thể kiểm soát được Ethoxyquin, bởi đây là chất chống oxy hóa được dùng rộng rãi trong bảo quản bột cá (thành phần chính của thức ăn dùng cho tôm). Để tránh nguy cơ tôm nguyên liệu nhiễm Ethoxyquin từ thức ăn, nhiều doanh nghiệp đang phải giảm mua tôm nuôi công nghiệp, chuyển sang mua tôm nuôi theo hình thức nuôi quảng canh.

Ông Lực cho biết tôm nuôi công nghiệp buộc phải sử dụng thức ăn công nghiệp, do đó nguy cơ nhiễm Ethoxyquin từ thức ăn cao hơn so với tôm nuôi quảng canh. Đại diện Cty CP Chế biến Thực phẩm Ngọc Trí cho hay, chính khách hàng Nhật Bản cũng không dám nhập tôm thành phẩm có nguồn gốc từ tôm nuôi công nghiệp, nên doanh nghiệp buộc phải chuyển sang mua tôm nuôi quảng canh. Tuy nhiên, do sản lượng tôm quảng canh không ổn định, nên tỷ lệ tôm thành phẩm của Cty Ngọc Trí xuất sang Nhật Bản đã phải giảm khá nhiều. Trước đây, Nhật Bản chiếm 35% lượng tôm xuất khẩu của Cty này thì trong năm nay đã giảm xuống còn 25% cả về lượng lẫn giá trị.

Nhưng nếu như tôm quảng canh có thể giảm được nguy cơ nhiễm dư lượng Ethoxyquin, thì lại dễ vướng vào dư lượng của mấy chất cấm khác, nhất là những chất cấm đã khá cũ. Theo ông Hồ Quốc Lực, do tình hình dịch bệnh tôm hoành hành, chưa có giải pháp xử lý triệt để, nên nhiều hộ nuôi tôm nghe nói thuốc hay hóa chất nào có tác dụng là sẵn sàng mua về sử dụng, bất kể đó là chất cấm hay không. Vì thế, Cloramphenicol là một chất đã bị cấm từ lâu, vậy mà trong tháng 11 vừa rồi, có tới 6 lô thủy sản Việt Nam bị cơ quan chức năng Nhật Bản cảnh báo nhiễm dư lượng chất này.

Một số doanh nghiệp khác thì đẩy mạnh nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước ngoài, vừa để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, vừa nuôi hy vọng tôm nguyên liệu nhập khẩu không dính Ethoxyquin. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này cũng nhanh chóng vỡ mộng, bởi một nước có nguồn cung tôm nguyên liệu khá lớn là Ấn Độ cũng đang phải giảm mạnh lượng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản vì dính dư lượng Ethoxyquin.

Nói chung dù đẩy mạnh mua tôm quảng canh thay tôm công nghiệp hay nhập tôm nguyên liệu, cũng đều chỉ là những giải pháp tình thế. Mà ngay cả khi sử dụng những nguồn tôm này, các doanh nghiệp vẫn phải tăng cường kiểm tra dư lượng Ethoxyquin. Do đó, chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra cho những lô tôm xuất khẩu đã tăng lên khá nhiều. Chẳng hạn, ở Cty Ngọc Trí, riêng chi phí kiểm soát Ethoxyquin là 5-10 triệu đồng cho 1 container 20 feet tùy theo mã nguyên liệu.

Mà đâu chỉ có Ethoxyquin, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn đang phải tốn khá nhiều về chi phí lẫn thời gian cho việc kiểm soát cả những chất cấm khác như Trifluralin, Enrofloxacin… Theo VASEP, trước khi xuất khẩu 1 lô tôm đi Nhật Bản, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu phải thực hiện ít nhất 6 lần tại các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn được Bộ NN-PTNT chỉ định.

Cụ thể: kiểm tôm dưới ao trước khi thu hoạch; kiểm tôm nguyên liệu khi về đến nhà máy chế biến; kiểm bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất; kiểm thành phẩm tại phòng kiểm nghiệm của DN (tự kiểm); kiểm thành phẩm gửi NAFIQAD (dạng dịch vụ); kiểm thành phẩm (kiểm cảm quan) bởi đại diện nhà NK.

Ông Lực cho biết, do phải trải qua nhiều khâu kiểm tra, nên chi phí tăng thêm cho mỗi lô tôm tới gần 2.000 USD. Những doanh nghiệp lớn, mỗi năm có thể mất tới 10 tỷ đồng cho công tác kiểm soát dư lượng các chất cấm. Còn theo phản ánh của một số doanh nghiệp, trước đây, khi đưa tôm sang Nhật Bản, chỉ sau 10-15 ngày lưu kho là đã đưa ra thị trường. Nay thời gian lưu kho đã tăng lên gấp đôi vì nhà nhập khẩu phải kiểm tra thêm ở nước họ.

Tốn kém là vậy, mất thời gian là vậy, nhưng tình hình tôm nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung bị phía Nhật Bản cảnh báo nhiễm dư lượng chất cấm vẫn đang có dấu hiệu tăng lên trong mấy tháng qua. Theo VASEP, tháng 9 có 2 lô hàng bị cảnh báo chất cấm (1 lô có Furazolidone và 1 có Enrofloxacin), thì sang tháng 10 tăng lên thành 5 lô (2 lô có Chloramphenicol, 2 lô có Enrofloxacin và 1 lô có Trifluralin). Tháng 11/2012, số lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo tăng đột biến lên 10 lô. Trong đó có 8 lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh đã bị cấm sử dụng.

Trước sự gia tăng đáng lo ngại đó, VASEP đã phải gửi công văn đề nghị Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản tăng cường chỉ đạo kiểm soát hiệu quả việc sản xuất, lưu thông, phân phối và sử dụng các chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.

Ý kiến bạn đọc