Rào cản thương mại
Phòng vệ thương mại trong TPP: Doanh nghiệp được bảo vệ bằng hàng rào kiên cố hơn
20/07/2016
Hiệp định TPP sẽ không ảnh hưởng và không bổ sung thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước tham gia theo quy định của WTO ở một số vấn đề về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, TPP cũng có rất nhiều điểm mới hơn, chặt chẽ hơn, bảo vệ DN tốt hơn.

Thông tin từ Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết.

Theo Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Chương về các biện pháp Phòng vệ thương mại (PVTM) đảm bảo rằng các nhà sản xuất vẫn hoàn toàn có thể sử dụng các quy định về phòng vệ thương mại như các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD), để giải quyết các thiệt hại gây ra bởi hàng hoá nhập khẩu tăng lên một cách bất thường và đột biến, giá bán xuất khẩu thấp hơn giá bán trong nước, hoặc có sự trợ cấp đối với các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu.

Đồng thời, quy định về PVTM trong TPP đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu đối mặt với các biện pháp PVTM do các nước khác khởi xướng phải đảm bảo một quy trình công bằng, minh bạch bởi các nước thành viên TPP.

Theo đó, về vấn đề chống bán phá giá và trợ cấp, Hiệp định TPP sẽ không ảnh hưởng đến các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của WTO liên quan đến chống bán phá giá và chống trợ cấp, hay cũng không bổ sung thêm bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ

Thêm vào đó, TPP tăng cường tính minh bạch và việc thực thi đúng trình tự thủ tục trong các vụ việc PVTM, ví dụ như việc thông báo bằng văn bản cho bên kia khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng một biện pháp AD/CVD, phải thông báo minh bạch và đúng trình tự thủ tục, lưu trữ tài liệu công khai và cung cấp các văn bản tài liệu không mật trong hồ sợ hành chính, và phải cung cấp các dữ liệu chính làm căn cứ đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp AD/CVD này.

Về tự vệ toàn cầu, TPP sẽ không ảnh hưởng và cũng không quy định bổ sung thêm quyền hay áp đặt các nghĩa vụ mới. Tuy nhiên, Hiệp định yêu cầu các nước thành viên TPP phải cung cấp bản thông báo điện tử của những thông báo theo quy định của WTO khi một thành viên quyết định khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ.

Đặc biệt, Hiệp định cấm các thành viên áp dụng nhiều hơn một biện pháp tự vệ đối với một sản phẩm trong cùng một thời điểm, dù đó là biện pháp tự vệ toàn cầu, biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi hay một biện pháp tự vệ đặc biệt nào khác được quy định trong Hiệp định TPP.

Ngoài ra, về cơ chế tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi, TPP cho phép các thành viên áp dụng một biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi đối với một, một số hoặc tất cả các thành viên TPP khác trong khoảng thời gian mà một mức thuế đang được xoá bỏ nếu hàng nhập khẩu từ những thành viên này tăng lên do kết quả của việc cắt giảm thuế quan.

Được biết, các biện pháp này có thể duy trì tới 2 năm, với 1 năm gia hạn. Để tạo điều kiện cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu, biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi phải giảm mức thuế áp dụng dần dần nếu kéo dài hơn 1 năm.

Cuối cùng, về vấn đề bồi thường, TPP quy định một thành viên áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi phải bồi thường dưới hình thức các nhượng bộ có tác động thương mại tương đương hoặc tương đương với mức thuế bổ sung là kết quả của biện pháp.

Ngoài ra, một thành viên đối mặt với biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi có thể đình chỉ các nhượng bộ tương đương (trả đũa), sau khi thông báo cho các bên khác, nếu các bên không thể đạt thoả thuận về bồi thường.

Cũng theo Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, một trong những điểm mới hoàn toàn trong TPP là Hiệp định này tăng cường những nỗ lực để đẩy mạnh thông lệ điều tra tốt nhất trong các cuộc điều tra AD/CVD của nước ngoài. Những quy định này giúp đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu của các nước Thành viên TPP mà phải đối mặt với những cuộc điều tra PVTM được khởi xướng bởi các nước khác sẽ được đối xử theo một quy trình công bằng, và có thể tự bảo vệ mình trong một môi trường minh bạch.

Bên cạnh đó, một điểm mới khác là cơ hội dành cho các ngành sản xuất của một nước TPP yêu cầu biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển đổi được áp dụng với một, một số hoặc tất cả các thành viên TPP khác nếu hàng nhập khẩu từ nước này được cho là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới, tranh chấp về các biện pháp PVTM là nhóm có số lượng vụ kiện nhiều nhất, chiếm trên 50% tổng số các vụ kiện tại WTO. Đặc biệt, khi TPP có hiệu lực, dòng thương mại hàng hoá sẽ trở nên khổng lồ hơn, cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Trong bối cảnh đó, các quy định về PVTM trong TPP khá chặt chẽ, như một hàng rào vững chắc bảo vệ doanh nghiệp, nền sản xuất của các quốc gia tham gia. Song kéo theo đó, các vụ kiện PVTM sẽ dày đặc hơn.

"Việt Nam tham gia rất nhiều FTA với một loạt các cam kết sẽ là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, nhận thức và năng lực trong việc sử dụng vũ khí PVTM của doanh nghiệp Việt rất hạn chế. Do đó, đầu tiên, hơn ai hết, doanh nghiệp buộc phải nắm kỹ về các điểm chung, điểm riêng quy định về PVTM trong mỗi FTA. Bên cạnh đó, khi vào sân chơi TPP, EVFTA...chúng ta cần phải làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trước khi nghĩ đến áp dụng PVTM", ông Huỳnh khuyến cáo.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam
Ý kiến bạn đọc