Rào cản thương mại
Thách thức rào cản phi thuế khi tham gia thị trường EU
02/06/2015
Sau 6 vòng đàm phán kể từ tháng 6/2012, Việt Nam và EU đang tiến gần đến việc ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Cụ thể, chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan đang được đàm phán đã có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên 30-40%. Tuy nhiên để tận dụng tốt cơ hội này, các ngành xuất khẩu cũng phải vượt qua không ít các rào cản phi thuế. Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải có những giải pháp và bước đi cụ thể để đáp ứng những yêu cầu khi tham gia Hiệp định FTA.
Đón đầu Hiệp định FTA, doanh nghiệp da giày Vinh Thông đã đầu tư thêm trang thiết bị máy móc để đáp ứng đơn hàng dự kiến tăng lên 30% trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp này đang đối mặt là những rào cản phi thuế về truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu. Nếu không vượt qua được rào cản này, sản phẩm sẽ khó tham gia thị trường EU trong thời gian tới.
Tham gia TPP, dệt may phải đảm bảo nguyên tắc “từ sợi trở đi” mới được hưởng thuế suất 0%.
Ông Trần Đức Hạnh, Giám đốc điều hành công ty TNHH Vinh Thông cho biết: “Tham gia thị trường EU cơ hội nhiều, nhưng thách thức không nhỏ. Rào cản thứ nhất là về chất lượng sản phẩm, tiêu chí về thành phần hóa học, cơ học phải vượt qua. DN phải tìm mua những nguyên liệu trong nước sạch, đảm bảo cho người tiêu dùng. Thứ hai là nguồn nguyên liệu đối với ngành da giày chứng nhận xuất xứ đa phần từ Trung Quốc. Hiện nay muốn chứng nhận xuất xứ phải đảm bảo nguồn nguyên liệu này không xuất xứ từ Trung Quốc. Thứ ba, mong Hiệp hội cũng như Nhà nước có những chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cung cấp những sản phẩm may mặc cũng như da giày để đáp ứng yêu cầu FTA”.
 
Một sản phẩm da giày hiện nay khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị đánh thuế 14,6%. Tuy nhiên, nếu Hiệp định FTA được ký kết thì mức thuế này là 0%. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp da giày, tuy nhiên không ít thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp về các rào cản kỹ thuật, chất lượng và nguồn nguyên vật liệu.
 
Ngoài ra, những đòi hỏi về nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý cũng sẽ là những rào cản mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tham gia Hiệp định FTA. Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn nhân lực quản lý và lao động tay nghề cao, trong khi đó hiện nay ngành da giày và dệt may, tỷ lệ lao động chất lượng cao chiếm tỷ lệ chưa tới 20%.
 
Tính đến thời điểm này, EU là thị trường có vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu trên 24,3 tỷ USD vào EU và nhập khẩu 9,4 tỷ USD từ thị trường này. Chính vì vậy, tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến kinh tế, xã hội của Việt Nam là rất lớn. Quan trọng hơn, những cơ hội và ràng buộc từ Hiệp định này sẽ tạo động lực cho đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Ý kiến bạn đọc