Rào cản thương mại
Thu hút FDI: Việt Nam cần học cách “lắc đầu”! (kỳ 2)
30/09/2015
 Trong khi có những đánh giá cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không thể được như ngày hôm nay nếu không có doanh nghiệp FDI thì lại có những ý kiến khác nhận xét, đóng góp của doanh nghiệp FDI vào tăng trưởng là rất khiêm tốn (thậm chí là mức âm)… Cá nhân ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào sau hơn 20 năm doanh nghiệp FDI bước vào nền kinh tế Việt Nam?
 
Có thể nhận định, đóng góp của FDI đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua là tích cực là chủ yếu, và những tồn tại của FDI tại Việt Nam hiện nay là nhỏ và tất yếu của một quá trình đang phát triển.
 
Hội nghị Tổng kết 25 năm FDI nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức vào 3/2013 cũng đã nêu rõ, “sau 25 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài với việc ban hành Luật đầu tư nước ngoài 1987, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển KT-XH của Việt Nam. Việc thu hút, sử dụng ĐTNN thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại”.
 
Cụ thể, về bổ sung cho tổng vốn đầu tư xã hội, vốn FDI thực hiện tăng nhanh qua các thời kỳ. Từ 20,67 tỷ USD chiếm 24,32% tổng vốn đầu tư xã hội (1991-2000) lên 69,47 tỷ USD chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư xã hội (2001-2011). Tỷ trọng khu vực ĐTNN trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2000-2011 tăng 5,4%. Vốn FDI thực hiện 2014 đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so 11,5 tỷ USD 2013.
 
Khu vực này cũng đóng góp phần quan trọng vào xuất khẩu mà chúng ta không thể phủ nhận.  Trước 2011, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ đạt 45,2% tổng kim ngạch kể cả dầu thô. Từ 2003, xuất khẩu khu vực này bắt đầu vượt khu vực trong nước và dầu trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu 2012. Giá trị xuất khẩu khu vực FDI 2014 kể cả dầu thô đạt 101,5 tỷ USD chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu, tăng 25,6% so 2013.
 
Đóng góp vào nguồn thu ngân sách của khối FDI qua thống kê cũng cho thấy mức độ ngày càng tăng, từ 1,8 tỷ USD (1994-2000) lên 14,2 tỷ USD (2001-2010). Năm 2012, nộp ngân sách (không kể dầu tho) 3,7 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách (18,7% tổng thu nội địa, trừ dầu thô).
 
Khu vực này còn tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, khu vực FDI tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp, có tác động chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
 
Ngoài ra, FDI góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế; có tác động nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; góp phần nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, bên cạnh các đóng góp to lớn nêu trên đối với kinh tế Việt Nam, FDI còn bộc lộ một số điểm hạn chế như: hiệu quả tổng thể của nguồn vốn chưa cao, mục tiêu thu hút công nghệ cao chưa đạt được như kỳ vọng, hiệu ứng lan tỏa sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế, có dấu hiệu chèn lấn… là những hạn chế của một quá trình phát triển nhưng đang từng bước được khắc phục.
 
Mới đây, một đại diện của Hoa Kỳ đã cảnh báo Việt Nam khi các lợi thế về nhân công giá rẻ mất đi thì có rủi ro doanh nghiệp FDI sẽ chuyển hướng sang các nước khác như Lào, Campuchia. Ông có cho rằng đây là điều đáng quan ngại về thu hút FDI của Việt Nam hiện nay? Liệu có phải các doanh nhiệp FDI vào Việt Nam hiện vẫn chỉ nhằm tận dụng tài nguyên, lao động giá rẻ, giá thấp…chứ chưa có sự đột phá về công nghệ cao.
 
Trước hết cần phải nhận rõ: việc đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam phụ thuộc sức cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam với nhiều yếu tố cấu thành nên môi trường đầu tư đó.
 
Cụ thể, các yếu tố này bao gồm: sự ổn định chính trị và xã hội; sự hoàn chỉnh và phù hợp với thông lệ đầu tư quốc tế của hệ thống luật pháp, chính sách của Việt nam liên quan đến đầu tư - kinh doanh; khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng đối với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; xu hướng phát triển của thị trường nội địa; sự đáp ứng của hệ thống dịch vụ các loại (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics); lợi thế của nguồn nhân lực (trẻ, trình độ, kỹ năng, khả năng tiếp thu kỹ thuật - công nghệ, đào tạo,…).
 
Lợi thế về nhân công giá rẻ chỉ là một phần rất nhỏ trong việc cấu thành nên sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.
 
Đến giai đoạn hiện nay, sau hơn 26 năm thu hút và sử dụng ĐTNN, thế và lực của nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi, lớn mạnh hơn trước kia. Trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng tăng (từ 14,6 tỷ USD 2011 tiếp tục tăng, giảm đạt 20,2 tỷ USD 2014), với nhiều sự án có quy mô lớn, các sản phẩm với tính năng công nghệ cao, trong các lĩnh vực thông tin, điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp chế tạo…
 
Áp lực về nguồn nhân lực có chất lượng cao ngày càng gia tăng và chúng ta cũng không nên coi “nhân công giá rẻ” là một lợi thế nữa. Chúng ta cũng cần đòi hỏi các nhà đầu tư không được trả mức lương “giá rẻ” đối với lao động Việt Nam, bên cạnh việc tập trung đào tạo nghề, ý thức và kỷ luật lao động công nghiệp cho đội ngũ lao động, chuyển lợi thế từ “nhân công giá rẻ” (vốn đã được nhiều người nghĩ như vậy) sang lợi thế về đội ngũ nhân công trẻ, có tay nghề cao, xứng đáng nhận được mức lương cao với tay nghề và tác phong công nghiệp của họ.
 
Trong xu thế có nhiều tập đoàn đa quốc gia đổ bộ vào Việt nam hiện nay, bức tranh về thu hút FDI của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp đóng góp lớn cho thành tích xuất khẩu của Việt Nam song liệu kinh tế Việt Nam có trở thành 1 nền kinh tế công nghiệp như mong muốn được hay không, hay sẽ vẫn chỉ là “xưởng gia công” cho thế giới với giá trị gia tăng thấp? Ông có khuyến nghị gì về chính sách thu hút FDI hiện nay?
 
Với các đóng góp lớn của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, cũng như các tồn tại của khu vực này hiện nay, đã nêu một phần ở trên, cho thấy việc thu hút và sử dụng FDI trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm để nguồn vốn này góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
 
Theo chúng tôi, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư cùng với việc ban hành các ưu đãi nhưng đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực (trước mắt hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư 2014, Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015).
 
Việt Nam đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch và hướng các dự án FDI vào quy hoạch đã được thông qua; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà Nước FDI (vốn thực hiện, thuế, chống chuyển giá, môi trường, đãi ngộ người lao động…).
 
Cùng với đó là cải tiến căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực, đối tác và theo quy hoạch ngành, lĩnh vực, khu vực đã được duyệt.
 
Tôi cũng hy vọng Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ tập trung thu hút vốn FDI chảy vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, ý tế và giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học và công nghệ…
 
Chùng ta cần phải biết nói “KHÔNG” với các dự án (trên cơ sở xây dựng các rào cản kỹ thuật trong thời buổi hội nhập) làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…Và đồng thời, phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thể chế để tăng sức cạnh tranh của môi trường - kinh doanh của Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc