Rào cản thương mại
Vướng rào cản hành chính - Nông lâm thuỷ sản xuất khẩu đuối
02/06/2015
 Là một trong những DN vướng phải rào cản về kiểm dịch thực vật, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh có đến 6 lô hàng chè bị "trả về" từ Đài Loan do không đạt được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.
"Mạnh ai nấy làm"
Theo ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty Tôn Vinh, rất khó để tránh khỏi việc các sản phẩm chè xuất khẩu không gặp các vấn đề về truy suất an toàn thực phẩm. Đặc thù thị trường chè của Việt Nam là "mua bán lẫn nhau", tức là khi DN nào thiếu hàng, thường "mua" hàng của DN khác để cho đủ lượng xuất.
Trong khi đó, việc ứng dụng sản xuất VietGap cho các vùng trồng chè ngày càng giảm, do giảm ngân sách hỗ trợ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm chè và khó để truy suất được nguồn gốc.
Vấn đề tổ chức sản xuất, tạo tính liên kết giữa DN và người nông dân còn nhiều bất cập, khi DN đầu tư giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu cho người trồng, song người nông dân lại "bất tín" khi bán chè kém chất lượng cho DN.
Việc tổ chức liên kết sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng đã khó, thì các yêu cầu ngặt nghèo trong thủ tục hành chính càng khiến hiệu quả hoạt động của DN xuất khẩu ngày càng giảm.
Ông Ái dẫn chứng, có những nước nhập khẩu không yêu cầu làm kiểm dịch thực vật, song quy định trong nước lại bắt buộc tất cả các lô hàng thực phẩm phải có giấy kiểm dịch mới được khai báo hải quan, khiến cho chi phí DN tăng thêm.
Có trường hợp, với các sản phẩm bị trả về để tái chế, sửa chữa hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba… theo quy định không phải chịu thuế, song khi về các chi cục hải quan, lại đưa các mặt hàng này vào "diện" tạm nhập tái xuất và bị đánh thuế, với thủ tục hải quan phức tạp khiến cho DN thiệt hại rất nhiều chi phí. Chưa kể, chi phí kiểm dịch thực vật tại cảng hiện nay cũng "loạn giá", khi cùng một container hàng nhưng chi phí khác nhau.
 
Thuỷ sản cũng là một trong những ngành hàng vướng vào các rào cản kỹ thuật. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), việc EU cảnh báo sản phẩm thuỷ sản của Thái Lan đang đặt ra vấn đề cho các DN Việt Nam, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về chất lượng.
Với diễn biến xấu của thị trường, hiện diện tích nuôi đã giảm tới 50%, nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng, trong khi giá thành sản phẩm cao. Công tác xúc tiến thương mại đối với nhóm hàng thủy sản cũng đang ngày càng thu hẹp, không chỉ về kinh phí mà các hình thức hỗ trợ cũng thiếu hiệu quả.
"Nhìn ra các quốc gia đang cạnh tranh với thuỷ sản Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, đang có sự thay đổi liên tục như tăng tiền hỗ trợ xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức. Vấn đề của ta là cần tập trung vào nội dung, cách làm hơn là sự dàn trải. Mặc dù ta đã có hệ thống mạng lưới tham tán thương mại nhưng nhiều vấn đề thị trường xảy ra thì xử lý thụ động. Mặc dù mỗi tuần hiệp hội có báo cáo cập nhật với nhiều thông tin cung cấp cho các tham tán thương mại, nhưng sự phản hồi nhận được từ các tham tán là rất ít. Xử lý các vấn đề thị trường hiện quá chậm", ông Nam đánh giá.
Bộ chậm tháo gỡ, DN càng khó
Ông Lê Viết Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng trong lúc kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông, thuỷ sản giảm thì hoạt động xúc tiến thương mại càng cần được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, những rào cản trong thủ tục hành chính liên quan đến cơ chế giải ngân, thanh quyết toán kinh phí tham dự hội chợ triển khai khá phiền hà, và chậm so với yêu cầu, nên hiệu quả xúc tiến thương mại không cao.
Hoặc những thủ tục về kiểm dịch hàng hoá, mặc dù Hiệp hội đã có kiến nghị bãi bỏ kiểm dịch với hàng hoá mà nước nhập khẩu không có yêu cầu, để giảm chi phí cho DN, song vẫn chưa được giải quyết. Thực tế này đã khiến cho hàng xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản ngày càng kém tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đang bộc lộ nhiều điểm yếu, những cơ chế, chính sách hạn chế càng tạo nên rào cản khiến cho một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta ngày càng "đuối sức", thì các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong quản lý, điều hành để tạo sự thuận lợi thúc đẩy phát triển xuất khẩu.
Đại diện của Tổng cục Hải quan chỉ ra một thực tế, là mặc dù các bộ ngành liên quan đã "ngồi" cùng nhau để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN, và đưa ra những giải pháp, cũng như quyết tâm thực hiện giúp tháo gỡ nhanh cho DN hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế có không ít vấn đề các bộ ngành được phân công lại triển khai rất chậm, hoặc phân công không "đúng người, đúng việc", khiến cho những khó khăn của DN càng thêm "ách lại".
Tại Hội nghị Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản diễn ra chiều 4/5 do Bộ Công Thương chủ trì, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thuỷ sản đã liên tục giảm trong 4 tháng qua, khi chỉ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm.
Do đó, thời gian tới việc đẩy mạnh giải pháp thị trường gắn với phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các hoạt động được đẩy mạnh như đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; xúc tiến thương mại; tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; quản lý chất lượng sản phẩm; giải pháp tiền tệ, tín dụng; tài chính…
Theo Thời báo kinh doanh
Ý kiến bạn đọc