Rào cản thương mại
Xuất khẩu thủy sản vướng nhiều rào cản
27/05/2015

Theo VASEP, tính đến 15/6, XK tôm đông lạnh các loại tăng trưởng chậm lại với giá trị đạt 898,04 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm sú đạt 493,9 triệu USD (chiếm 55% giá trị XK tôm), giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch bệnh hoành hành, thiếu nguồn nguyên liệu chế biến. Trái lại, giá trị XK tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng và có mức tăng trưởng đến 39,7% so với cùng kỳ, đạt giá trị 295,5 triệu USD.

 

Dù vậy, các doanh nghiệp XK tôm đang phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ trên các thị trường tiêu thụ chính. Giá xuất khẩu tôm Việt Nam hiện nay đang cao hơn 25-35% so với giá tôm các nước khác, trong khi đó giá thành sản xuất trong nước quá cao. Nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bán tôm với giá bằng hoặc thấp hơn giá thành mà vẫn không có khách hàng. Tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đang bị rào cản kỹ thuật như việc tăng cường kiểm tra hóa chất, kháng sinh như Trifluralin, Enrofloxacin và mới đây là Enthoxyquin.

 

Trong tháng 5 và 6, XK cá tra bắt đầu giảm do thiếu vốn thu mua nguyên liệu, giá trung bình XK trên các thị trường chính giảm. Xuất khẩu cá tra đạt giá trị 790,009 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

 

Giá trị XK cá ngừ đến 15/6 đạt 257.865 triệu USD, tăng 34,6%. Sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng chính đến 66,9% trong tổng giá trị XK cá ngừ, đạt giá trị 172.523 triệu USD và vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng cao (28,8%) so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá trị các sản phẩm cá ngừ chế biến cũng tăng cao với tốc độ tăng trưởng 48%, đạt giá trị 85.341 triệu USD.

 

Xuất khẩu nhuyễn thể đạt giá trị 262,382 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) chiếm tỷ trọng chủ yếu đến 86,8% (227.875 triệu USD) về giá trị và có mức tăng trưởng khả quan (22,1%). Trong khi đó, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vẫn tiếp tục giảm và từ đầu năm đến nay giảm 5,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhóm sản phẩm cua, ghẹ và giáp xác tăng nhẹ về giá trị với mức tăng trưởng 6,5%, đạt 38.577 triệu USD.

 

Tuy nhiên, con số giá trị XK các nhóm sản phẩm hải sản trên không phản ánh đúng sự phát triển của doanh nghiệp hải sản vì phần lớn nguồn nguyên liệu cho chế biến XK được nhập khẩu từ các nước khác. Lợi nhuận doanh nghiệp ngày càng sụt giảm bởi các chi phí ngày càng tăng như cước phí vận tải biển, phí kiểm tra thú y thủy sản. Đặc biệt, các thủ tục và chi phí liên quan đến việc nhập khẩu đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh các mặt hàng hải sản XK của Việt Nam.

 

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản

 

Trước đây, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng nhu cầu và giá trị NK vào các thị trường này đang giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Xuất khẩu sang EU liên tiếp giảm từ đầu năm và tính đến 15/6 giảm 11,9% so với cùng kỳ. Chỉ trong 6 tháng, EU đã tuột xuống vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 501.017 triệu USD, đứng sau Mỹ với khoảng 515.805 triệu USD.

 

Thị trường khó khăn, các doanh nghiệp XK thủy sản chuyển hướng sang các thị trường khác như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc khiến cho xuất khẩu sang các thị trường này tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân khiến cho các thị trường này dựng nên các rào cản đối với thủy sản Việt Nam hoặc các nhà nhập khẩu tìm cách ép giá doanh nghiệp Việt Nam gây ra không ít khó khăn cho ngành XK thủy sản trong nước.

 

Với nỗ lực của các cơ quan ban ngành và việc duy trì sản xuất, XK của các doanh nghiệp thủy sản, VASEP dự báo giá trị XK cả nước năm 2012 sẽ tăng trưởng thêm từ 5-7%, đạt mức đối đa khoảng 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này khó có thể đạt được khi mà ngành thủy sản còn quá nhiều khó khăn. Tại Hội nghị giao ban XK nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2012, VASEP đã nêu ra tới 9 khó khăn, vướng mắc trong XK thủy sản, đồng thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp thủy sản.

 

Cũng theo VASEP, trước mắt 3 kiến nghị quan trọng của VASEP sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sớm giải quyết để hỗ trợ cho hoạt động XK của các doanh nghiệp. Trước hết là vấn đề kiểm soát Ethoxyquin trong tôm của Nhật Bản, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ có những biện pháp tháo gỡ tích cực hơn nữa cho các doanh nghiệp XK thủy sản. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị Cục Thú y xem xét điều chỉnh mức phí kiểm dịch lô hàng nhập khẩu sao cho phù hợp với thực tiễn. Về thuế bảo vệ môi trường bao bì nhựa PE, Bộ NN-PTNT đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính việc miễn thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE để bao gói hàng XK.

Nguồn: www.baocongthuong.com.vn

Ý kiến bạn đọc