Rào cản thương mại
Khi rào cản thuế được gỡ bỏ
27/05/2015

Thay đổi trên thực tế đã được báo trước nhiều năm, bởi hầu hết các hiệp định ký kết giữa khối nước ASEAN với các quốc gia khác trên thế giới đã được phổ biến đến cộng đồng DN trong suốt hơn 10 năm trở lại đây. Vì vậy, trong thời gian này, việc than phiền về những khó khăn đối với khối DN sản xuất, kinh doanh trong nước vô hình trung sẽ không còn ý nghĩa xây dựng hoặc đóng góp cho chính sách phát triển chung của nền kinh tế.

 

Bởi sau 19 năm gia nhập FTA ASEAN (AFTA, Việt Nam gia nhập từ năm 1996), đến thời điểm hiện nay hoàn toàn có thể khẳng định rằng xu hướng cắt giảm các dòng thuế xuất nhập khẩu là bắt buộc, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế.

 

Các DN sản xuất kinh doanh trong nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chủ động sống chung với lộ trình giảm thuế. Điều này cho thấy quan điểm duy trì tư duy bảo hộ hiện nay đã không còn đất sống. Các DN nội địa muốn tồn tại được bắt buộc phải tự cường bằng các hình thức đổi mới dây chuyền sản xuất, mẫu mã hàng hóa và tính toán lại giá thành, giá bán sản phẩm.

 

Thực tế cho thấy rằng, việc gỡ bỏ các rào cản thuế quan luôn kích thích khối DN tư nhân năng động chuyển đổi và “chọc” sâu vào các mảng thị trường có nhiều dư địa. Các DN trong khu vực ASEAN và Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã nhìn thấy được và chuẩn bị nhiều năm cho những chiến lược thâm nhập các thị trường nước ngoài (trong đó có Việt Nam) một cách bài bản.

 

Bằng chứng là chỉ trong năm 2014, các DN Thái Lan, Trung Quốc đã liên tiếp đầu tư vào 4 lĩnh vực “béo bở” tại Việt Nam là bán lẻ, nông nghiệp, công nghiệp và thực phẩm.

 

Trong khi đó, hầu hết các hiệp hội DN Việt Nam đều khá chậm chạp trong những bước chuẩn bị cho chiến lược quay về thị trường nội. Đơn cử như các ngành hàng nông nghiệp (thủy sản, đồ gỗ, cà phê, điều), tỷ lệ hàng hóa tiêu thụ nội địa trong suốt 5-7 năm qua vẫn giậm chân ở mức 5-10%. Các kế hoạch đầu tư tại “sân nhà” mặc dù trong hội nghị ngành hàng nào cũng được đưa ra, nhưng đến nay mới chỉ nằm trong ý tưởng, hoặc được “than thở” trong bối cảnh thị trường xuất khẩu co hẹp.

 

Theo lộ trình thực hiện các Hiệp định thương mại ASEAN, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, không phải chỉ có hơn 1.700 dòng thuế được cắt giảm mà hầu như tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều không còn chịu thuế. Đứng từ góc độ người tiêu dùng trong nước, việc này chỉ có lợi bởi nguồn hàng hóa càng nhiều, cơ hội mua hàng giá rẻ càng cao. Trong khi đó, đứng từ góc độ vĩ mô của nền kinh tế, việc giảm thuế nhập khẩu chỉ làm lành mạnh thị trường thương mại, tăng khả năng phát triển bền vững.

 

Chính vì vậy, tư duy “cái gì cũng tự sản xuất, tự tiêu dùng trong nước” có thể xem là đã đến thời kỳ hết hạn và cần thay đổi. Hơn lúc nào hết, chính lúc này bản thân các DN trong nước cần phải tự cứu mình. Việc “than vãn” đã không còn hợp thời, cần thay đổi bằng tư duy “sống cùng, lớn cùng” trong môi trường không còn các rào cản thuế.

Theo thoibaonganhang.vn

Ý kiến bạn đọc