Rào cản thương mại
Nhiều rào cản cho phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam
26/11/2014
 Thấp, yếu, công tác quảng bá kém… Không được đảm bảo về quyền lợi khi thanh toán thương mại điện tử khiến cho khách hàng thiệt thòi, đó là những ý kiến được các chuyên gia nhận định tại đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến nay, có 72,1 triệu thẻ và 470 thương hiệu của 50 ngân hàng phát hành. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm gần 92 %, thẻ tín dụng chiếm 3,8%, còn lại là thẻ trả trước.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện với số lượng máy ATM đạt gần 15.700 máy, số lượng POS/EDC đạt gần 147.500 máy, với trên 14,6 triệu giao dịch đạt giá trị đạt khoảng 75.700 tỷ.

Tuy nhiên, điều đáng nói tỷ trọng thanh toán qua thẻ nội địa trong thương mại điện tử chỉ chiếm 11%, còn lại vẫn chủ yếu là trả tiền mặt khi mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ qua mạng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) bức xúc: Tại sao giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam thấp và yếu? Cái gì đang xảy ra, nguyên nhân từ đâu?

Và cũng chính ông cho biết, chủ yếu là do tâm lý lo ngại từ phía người tiêu dùng, hạ tầng kém, thiếu các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo về chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau khi đã đã thanh toán tiền trước.

“Không ít trường hợp khi trục trặc, phát sinh vấn đề trong khâu thanh toán điện tử, khách hàng không biết kêu ai vì sự việc sẽ được “chuyền qua chuyền lại” giữa các ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, dẫn đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ chưa được giải quyết thỏa đáng”, ông Dũng thẳng thắn.

Bên cạnh đó, bản thân tại các điểm chấp nhận thanh toán thương mại điện tử nhân viên cũng không biết đến dịch vụ này, hoặc trong các máy sử dụng thẻ cũng không chấp nhận giao dịch. “Khi tôi dùng thẻ thương mại điện tử tại nhiều điểm giao dịch thì máy không chấp nhận thẻ, hỏi thì nhân viên ở đây không biết, nhưng khi dùng thẻ Visa hay Debit thì được chấp nhận”, ông Dũng dẫn chứng.

Đồng quan điểm với ông Dũng, bà Trương Cẩm Thanh - Giám đốc 123 Pay cho biết, theo nghiên cứu của đơn vị này, thời gian online của người Việt rất cao (chỉ sau Thái Lan là nước có lượng người online cao nhất khu vực), nhưng ngược lại, giao dịch điện tử rất thấp.

Bà Thanh còn so sánh về việc khi sử dụng thẻ thanh toán quốc tế thì chất lượng thanh toán ổn hơn do thao tác đơn giản, nhanh chóng, lệnh thanh toán, chuyển tiền rất trôi chảy, trong khi thẻ thanh toán nội địa lại hay gặp vấn đề, thậm chí không thực hiện được lệnh, khiến khách hàng cảm thấy không yên tâm.

Những khảo sát mới đây của Banknetvn cho thấy những trở ngại chính đối với hình thức mua sắm trực tuyến nằm ở những yếu tố cụ thể như số lượng webside bán hàng trực tuyến còn ít, hàng hóa nghèo nàn, sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, giá cả không thấp hơn khi mua hàng trực tiếp, sợ lộ thông tin, mất an toàn khi thanh toán online, xảy ra vấn đề khó giải quyết do đã trả tiền trước… Đây chính là những nguyên nhân khiến cho thanh toán trong TMĐT tại Việt Nam vẫn mãi ì ạch như hiện nay.

Ý kiến bạn đọc