Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của ngành chuyển phát chiếm khoảng 300 triệu USD/năm. Tuy nhiên, dịch vụ chuyển phát ở Việt Nam lại chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường TMĐT. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam - cho biết: Hàng hóa chuyển phát đi quốc tế phụ thuộc trên 95% vào các hãng chuyển phát nước ngoài. Chưa kể đến đội ngũ nhân lực còn không qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn.
Một nguyên nhân nữa là chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao cũng khiến giá mua sắm trực tuyến tại Việt Nam không rẻ hơn nhiều so với kênh mua sắm truyền thống. Điều này gây cản trở không nhỏ tới lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam.
Tính tới đầu năm 2014, có 91 doanh nghiệp (DN) đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Nhưng trên thực tế, một số DN đã được cấp phép chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích. Có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện…
Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) - cho hay, xu hướng mua sắm và bán lẻ online của thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên, các vấn đề như thanh toán, vận chuyển, an ninh an toàn, nhận thức... đang là rào cản lớn cho người tiêu dùng tiếp cận phương thức mua sắm mới qua TMĐT.
Nâng cao mối liên kết kinh doanh
Ông Trần Hữu Linh nhìn nhận, dịch vụ logistics (trong đó có dịch vụ chuyển phát) là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong thương mại, đặc biệt là TMĐT. Có thể thấy, logistics trong bán lẻ truyền thống sẽ bị thay đổi khi chuyển sang phương thức TMĐT. Trong TMĐT, yếu tố công ty giao nhận rất quan trọng, bởi đây là trung gian giữa trung tâm phân phối hàng hóa và khách hàng. Muốn dịch vụ khách hàng tốt, giá cả thấp hơn, rất cần sự hỗ trợ của các công ty chuyển phát. Do đó, cần quản lý chuỗi giá trị này một cách hiệu quả.
Việc hợp tác chặt chẽ giữa các DN chuyển phát và TMĐT sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của cả hai hoạt động này, đặc biệt khi xu hướng bán hàng qua điện thoại, “chợ ảo”, mạng xã hội có quy mô tăng lên và ngày càng phổ biến.
Đề cập về vấn đề chi phí dịch vụ logistics ở Việt Nam quá cao, ông Nguyễn Tương - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội DN Logistics Việt Nam tại Hà Nội - chia sẻ, trên thực tế, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP ở Mỹ chỉ chiếm 8%, ở Nhật Bản là 9% nhưng ở Việt Nam, con số này lên tới 25%. Vì vậy, trước hết, cần loại bỏ rào cản về chi phí vận chuyển hàng, từ đó, người tiêu dùng mới thực sự được hưởng lợi và “mặn mà” hơn với TMĐT. Ông Trần Hữu Linh dẫn chứng: Hiện tầm nhìn của các nước khu vực ASEAN trong việc chiếm lĩnh thị trường logistics cho TMĐT tương đối cao, như Singapore Post vừa đầu tư 145 triệu USD vào trung tâm Logistics phục vụ thị trường TMĐT, có thể xử lý 100.000 bưu kiện/ngày. Các công ty TMĐT mới nổi như Alibaba cũng đầu tư xây dựng trung tâm logistics để phục vụ phát triển TMĐT…
Theo các chuyên gia, để TMĐT trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, các DN chuyển phát cần tập trung đầu tư về chiều sâu công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ kiến thức cho đội ngũ nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.