Quyết định 51 là một bước tiến lớn của cơ quan quản lý Nhà nước với những hợp lý vượt khuôn khổ pháp lý hiện hành để thực hiện thoái vốn, loại bỏ ngành nghề kinh doanh mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Đó là những nhận định của các cơ quan thực thi chính sách, các DN tư vấn và là đối tượng thụ hưởng chính sách về việc pháp quy hoá Nghị quyết số 15 của Chính phủ về các giải pháp cổ phần hoá (CPH).
Tuy nhiên, hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK mà UBCKNN, Cục Tài chính DN và HNX vừa tổ chức cho thấy, vẫn còn nhiều những rào cản nhỏ làm chậm bước tiến lớn.
Nếu nhìn vào thống kê của việc CPH và thoái vốn Nhà nước từ 2011 đến nay, chỉ 9 tháng đầu năm đã thoái được 3.488 tỷ đồng ở 5 lĩnh vực “nhạy cảm” mà tập đoàn và tổng công ty cần thoái, cao gấp 3,6 lần so với năm 2013. 92 DN sắp xếp trong đó đã CPH 71 DN cũng là một con số đáng nói. 550 đợt đấu giá CPH, giúp CPH DNNN thu về 85.000 tỷ đồng.
Nhưng phía sau những con số đó, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) Bùi Hoàng Hải đã chỉ ra những khó khăn như quá trình chuyển đổi còn tương đối chậm tiến độ, tỷ lệ cổ phần đăng ký mua trên cổ phần bán được thấp hơn nhiều thời kỳ 2012-2013.
Tỷ lệ giá bình quân tham chiếu cũng thấp hơn, NĐT có tổ chức giảm nhiều. Trong khi đó, kế hoạch CPH 432 DN giai đoạn 2014 - 2015 vẫn còn khá xa đích khi mới chỉ CPH được 46 DN. Giá trị còn phải thoái trong kế hoạch 2015 đã lên tới 16.367 tỷ đồng, chưa tính các DN bổ sung tới đây cũng là một bài toán nan giải.
Thêm vào đó, dù đã được cho là có nhiều giải pháp đột phá mang tính thời điểm, các nhà tư vấn, các thành viên tham gia vào thị trường này không khỏi băn khoăn khi vẫn còn nhiều những vướng mắc hiện hữu chưa có hoặc chưa được quy định chi tiết trong quyết định khiến DN vừa làm vừa lo.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Lê Phong Lai cho biết, với các DN ngoài lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC được thuận mua vừa bán và không có trách nhiệm phải mua và được tham gia trong phương án CPH của DN.
Tuy nhiên, theo ông Lai, thời gian xem xét 15 ngày để thẩm định một phương án đầu tư là quá ngắn đối với SCIC, nhất là trong bối cảnh đối tượng DN muốn SCIC tham gia mua lần đầu rất rộng. Với nguồn lực hữu hạn, SCIC đề nghị đối với việc tham gia CPH những DN chưa có điều kiện IPO nên để SCIC nhận chuyển nhượng một phần vốn từ DN, rồi sau này sẽ thoái vốn.
Hướng mở để đẩy nhanh tiến trình
Là một đơn vị trực tiếp tham gia tư vấn, thoái vốn, CPH cho DN, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội Vũ Đức Tiến bổ sung thêm 9 vấn đề chưa có hoặc chưa được làm rõ cần tháo gỡ cho tiến trình này bên cạnh những đột phá chính sách đã có.
Ví như đối với một số DNNN đặc thù thực hiện chức năng thoái vốn theo chủ trương tái cơ cấu nợ của Bộ Tài chính như Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) có được áp dụng Quyết định 51 không? Hay với quy định DN chỉ được thoái vốn khi đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, DN loay hoay vì những khoản đầu tư dài hạn phải trích lập theo vốn chủ sở hữu mà không được trích lập theo giá thị trường thì nếu giá trị cổ phần sau khi trừ đi dự phòng tổn thất vẫn còn cao hơn giá thị trường, DN có được áp dụng cách chào bán theo biên độ giá giao dịch trong ngày chuyển nhượng hay không?...
Ông Tiến cũng cho rằng, quy định giá bán thoả thuận khi không bán thành công đợt đầu chỉ giảm tối đa 10% giá so với giá khởi điểm của cuộc đấu giá trước sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả của việc chào bán do biên độ giảm giá thấp và chỉ được giảm một lần.
Ông đặt câu hỏi, đối với các DN tổ chức đấu giá công khai lần đầu nhưng không bán được thì có được phép bán thỏa thuận hay không và nếu bán thì theo giá nào? Những quy định về hồ sơ chào bán của cổ đông lớn phức tạp thủ tục kéo dài, hồ sơ quy định báo cáo của tổ chức phát hành phải được báo cáo kiểm toán 2 năm và công ty kiểm toán phải nằm trong danh sách được công nhận cũng đang làm khó các cổ đông lớn bởi họ khó có thể yêu cầu DN thực hiện kiểm toán lại chỉ vì công ty kiểm toán không nằm trong danh sách của UBCKNN.
Giám đốc CTCK Dầu khí Phạm Quang Huy cho biết, hiện có khoảng 20.000 tỷ đồng mà các khách hàng của công ty đăng ký thoái vốn. Tuy nhiên, quy định CTCP có vốn sở hữu Nhà nước trên 51%, công ty Nhà nước nắm cổ phần chi phối có thể “vận dụng” thoái vốn theo Quyết định 51 là một việc khó.
“Vận dụng nếu đúng thì không vấn đề gì, nhưng nếu sai thì chết. Đây là một vấn đề rất sợ”, ông Huy nói. Với việc thoái vốn và chuyển nhượng vốn trong cùng tập đoàn thì có áp dụng Quyết định 51 hay không? Bởi nếu mang đấu giá ra ngoài có thể DN khác mua ảnh hưởng lớn đến kết quả tái cơ cấu của DN. Hoặc nếu DN muốn CPH gắn với niêm yết thì liệu có được không khi con đường hiện nay là 3 tháng lên UpCom, rồi mới lên niêm yết chính thức.
Những vướng mắc còn rất nhiều mà theo như các diễn giả tham gia hội thảo là chưa thể nới hết vì thời gian có hạn. Tuy nhiên, những lời của Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng đang le lói thêm những tia sáng cho tiến trình CPH và thoái vốn khi cho biết, ngay sau hội thảo này sẽ tổ chức một cuộc họp nội bộ để tập hợp những vướng mắc không thuộc thẩm quyền kiến nghị Chính phủ, còn trong thẩm quyền của Bộ Tài chính thì sẽ có những hướng dẫn ngay.
Trong đó sẽ xem xét trình Chính phủ về việc bỏ thủ tục đăng ký chào bán với những khoản vốn dưới 10 tỷ đồng để tạo nên sự đột phá; hướng dẫn việc CPH DN lỗ lũy kế và chào bán dưới mệnh giá; góp vốn bằng thương hiệu. UBCKNN muốn có những quy định hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng từng DN phải xin phép ngoại lệ, lãnh đạo UBCKNN cho biết…