Rào cản thương mại
Xóa bỏ rào cản để thâm nhập thị trường Nga
20/11/2014
 Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị toàn diện từ nhiều năm nay với kim ngạch thương mại hai chiều luôn tăng trưởng ổn định. Cụ thể, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước trong năm 2013 đạt 2,76 tỉ USD, tăng gần 13,6% trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 1,91 tỉ USD tăng gần 18% và nhập khẩu từ Nga đạt 853 triệu USD tăng 2,7%.

Tính đến hết tháng 6/2014, Nga đứng thứ 18 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với nguồn vốn đầu tư trực tiếp đạt gần 2 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, công nghệ cao, chế tạo, khai khoáng, giao thông, vân tải. Đồng thời Nga cũng là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 17 dự án với tổng vốn 2,4 tỉ USD tập trung vào các lĩnh vực khai thác dầu khi, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày.

Nhận định về thị trường Nga, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV - cho hay, đang có nhiều cơ hội từ thị trường truyền thống và giàu tiềm năng này vì Nga là một thị trường có sức tiêu thụ lớn và ổn định về nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp nhẹ. Năm 2013, Nga là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với dân số 143 triệu người. Hiện Nga đang là thị trường tiêu dùng đứng đầu châu Âu và đứng thứ 9 trên thế giới. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn 2009-2013 thị trường tiêu dùng Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và có thể vươn lên vị trí đứng thứ 4 thế giới vào năm 2020.

“Việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2012 đã mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam như một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga theo lộ trình cam kết của Nga sẽ chịu mức thuế thấp hơn từ 30-50% so với mức thuế cũ. Điều này không chỉ là giúp mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam vào Nga mà còn mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu”, ông Hà cho biết.

Vướng nhiều rào cản

Theo nhận định của các DN, cơ hội vào thị trường Nga đang rộng mở, tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường này các DN cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các DN xuất khẩu của Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường Nga nên còn bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước chủ yếu do các DN tư nhân và tư thương người Việt ở Nga nên còn thiếu bài bản.

Bên cạnh đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập vào thị trường này dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, thương hiệu, uy tín, mẫu mã, giá cả. Trong khi đó, vấn nạn hàng giả, hàng lậu càng gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các DN khi hàng hóa bất hợp pháp tiêu thụ tràn lan và chiếm tới 1/3 thị trường.

Ngoài ra, việc quy đổi dòng tiền từ Ruble sang USD cũng là rào cản lớn hiện nay của DN Việt Nam khi xuất khẩu qua Nga. Ông Dương Ngọc Minh - TGĐ Công ty CP thủy sản Hùng Vương cho biết, đồng Ruble của Nga hiện quy đổi khó nên để có được USD, DN phải mất rất nhiều thời gian chuyển từ Ruble sang Euro, rồi từ Euro chuyển thành USD. “Ngân hàng nhà nước nên là đầu mối trung gian để DN không phải mất quá nhiều thời gian cho việc quy đổi dòng tiền, cản trở đến xuất khẩu”, ông Minh đề xuất.

Để giúp các DN xuất khẩu Việt Nam đưa hàng hóa sang Nga, từ nay tới cuối năm BIDV cam kết sẽ dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho các DN vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, BIDV cũng dành riêng 50 triệu USD ngoại tệ cho hai đối tác lớn là Vinatex và Công ty CP thủy sản Hùng Vương vay đầu tư cho xuất khẩu” – Ông Trần Bắc Hà khẳng định

Ý kiến bạn đọc