Rào cản thương mại
Gỡ bỏ rào cản tiếp cận vốn
19/11/2014
 

Doanh nghiệp nhỏ khát vốn
Ông Trần Lâm - Giám đốc Công ty CP Nội thất Sông Hồng than phiền: 2 năm trở lại đây, sản xuất của DN gặp nhiều khó khăn, để duy trì sản xuất DN đã thế chấp nhà xưởng, xe ô tô cho ngân hàng (NH). Cuối năm 2013, công ty nhận được đơn hàng xuất khẩu, để hoàn tất hợp đồng DN phải đầu tư trên 1 tỷ đồng cải tiến dây chuyền, mua nguyên liệu sản xuất. Mặc dù đã huy động mọi nguồn vốn nhưng vẫn thiếu khoảng 500 triệu đồng. Công ty đã "gõ cửa" nhiều NH nhưng vẫn không được giải quyết, bởi NH không chấp nhận dùng hợp đồng, hàng tồn kho làm tài sản thế chấp. Không chỉ Công ty CP Nội thất Sông Hồng mới lâm vào cảnh này mà hầu hết các DNNVV cũng rơi vào tình trạng tương tự. 

Theo bà Hà Thu Giang - Phó Trưởng phòng Tín dụng Chính sách Nhà nước (NH Nhà nước Việt Nam), việc các DN khó vay vốn không phải do NH làm "khó" mà bởi nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, chưa có văn bản quy định tiêu chí DNNVV, điều này làm cho NH khó xác định DN vay vốn có phải DNNVV hay không. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động của các NH chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay của DNNVV là dài hạn, tài sản thế chấp hầu như không có hoặc có không nhiều nên rất khó giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những rào cản do thiếu cơ chế, chính sách thì việc các NH "ngại" cho DNNVV vay còn bởi chính bản thân các DN chưa đáp ứng được những điều kiện tối thiểu. Hiện, hầu hết DNNVV có quy mô và dây chuyền sản xuất nhỏ, quản trị DN yếu nên chưa đáp ứng điều kiện của NH về lập kế hoạch kinh doanh cũng như tài sản đảm bảo thế chấp. Bên cạnh đó, kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để trả nợ thiếu tính khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động của thị trường. Thực tế, hoạt động vay vốn của DN trong thời gian qua cho thấy, DN khó vay vốn bởi lãi suất NH cao khiến kinh doanh không có lãi. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có đến 40,5% số lượng DN không vay vốn NH là bởi lãi suất cao, kinh doanh không đủ trả lãi.
Việc không tìm được tiếng nói chung đã dẫn đến tình trạng trong khi DN "khát" vốn thì NH lại thừa vốn. Tính riêng tại Hà Nội, tháng 3/2014, tín dụng trên địa bàn vẫn tăng trưởng âm 1,7% so với cuối tháng 2, và âm 0,4% trong quý I/2014, trong khi huy động vốn tăng 1,1% so cuối tháng 2 và tăng 3,1% so cuối năm 2013.
Hỗ trợ bằng cách nào?
Tại buổi đối thoại công - tư của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) về giải quyết những rào cản của DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn thương mại do Bộ Công Thương và APEC vừa tổ chức, hầu hết các đại biểu cho rằng: Để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay, cần có sự phối hợp từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và chính bản thân DN.
Ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV và nhiều đại biểu có chung ý kiến: Nhà nước cần xây dựng Luật DNNVV để tạo hành lang pháp lý, tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trong đó, cụ thể hóa những quan điểm, chính sách, cơ chế đã có như giãn, hoãn thuế, quan tâm hơn nữa đến các đối tượng ưu tiên về tín dụng, đặc biệt là DN tham gia hoạt động xuất khẩu, DN nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho khối DN. Ngoài ra, cần xây dựng Quỹ hỗ trợ DNNVV để làm cầu nối cho tổ chức tín dụng và DN, hỗ trợ DN khai thác thị trường đầu ra.

Bên cạnh sự "vào cuộc" của các bộ và NH, để hỗ trợ DN trong việc tiếp cận nguồn vốn, UBND các tỉnh cần có cơ chế cung cấp thông tin trực tiếp cho NH về quy hoạch phát triển và kế hoạch bố trí vốn ngân sách hàng năm của tỉnh, các dự án khả thi. Đồng thời, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận và đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn với quyền sử dụng đất để đảm bảo cơ sở pháp lý cho tài sản thế chấp vay vốn. 
Bên cạnh đó, để có thể vay được vốn NH, bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện cơ chế quản lý, kế hoạch kinh doanh, tài chính, hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, rõ ràng; đầu tư đổi mới công nghệ, từ đó tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Ý kiến bạn đọc