Rào cản thương mại
Xuất khẩu nông sản, thủy sản: Tìm cách phá bỏ rào cản
19/11/2014
 Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5-2014 ước đạt 2,278 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 5 tháng đầu năm lên 12,12 tỷ USD; tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 5,94 tỷ USD, tăng 5,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,83 tỷ USD, tăng 25%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.
 

Đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 2,278 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ, song hiện nay ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn. "Đó là nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao. Xu hướng các nước tăng cường áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu hay mọi chi phí đầu vào đều tăng… đang trở thành những rào cản lớn gây áp lực lên kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, cũng như sự phát triển chung của toàn nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích. Đặc biệt, sự kiện tháng 5 – Trung Quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam ít nhiều tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhóm ngành hàng này.

Mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhóm hàng này, song trên thực tế hiệu quả chưa được như mong muốn. Theo nhận định của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường quốc tế song hầu hết các sản phẩm xuất khẩu nông, thủy sản hiện nay đều là sản phẩm thô và có giá trị thấp. Thứ trưởng Tuấn Anh nhận định, Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ định hướng đối với nhóm hàng nông, thủy sản là: Dịch chuyển cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Tuy nhiên do các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo chưa đồng bộ và nhất quán nên viêc chuyển dịch cơ cấu theo định hướng nêu trên còn chậm. Đây cũng là điểm nghẽn lớn mà thời gian qua các chuyên gia ngành nông nghiệp đã nhiều lần đề cập.

Đánh giá về vai trò của nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản đối với nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đưa ra nhận định, thời gian qua dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam khi luôn đạt kim ngạch cao. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế, trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản đóng vai trò then chốt. "Tuy vậy, con số xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5-2014 đáng giật mình khi giảm sâu xuống 18%, trong khi đó lúa Đông Xuân được mùa 3 miền, chăn nuôi phục hồi, nuôi trồng thủy sản sôi động sau một thời gian được giá... Đây là lý do khiến không ít Đại biểu Quốc hội chất vấn: Tại sao làm ra nhiều lúa gạo, tôm, cá mà nông dân Việt Nam vẫn nghèo”, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ băn khoăn.

5 giải pháp gỡ khó

Đặc biệt, phản ánh về những vướng mắc trong thủ tục hành chính, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) – Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã rất thẳng thắn khi cho rằng: Khó khăn bên ngoài (suy thoái kinh tế toàn cầu) mà ngành thủy sản đang phải đối diện không lớn và khó khắc phục bằng những khó khăn nội tại. Phân tích rõ hơn về khúc mắc nội tại ấy, ông Dũng cho biết, nhiều văn bản pháp lý được cơ quan quản lý ban hành đang khiến nhiều DN loay hoay. Trong đó phải kể đến thực trạng tần suất kiểm tra DN tăng cao gây nhiều phiền hà cho DN khiến DN không yên tâm hoạt động sản xuất.

Hay như việc kiểm soát chất lượng sản phẩm lại chỉ thực hiện kiểm soát ở sản phẩm cuối cùng, như vậy không kiểm soát được dư lượng kháng sinh trong sản phẩm trong quá trình nuôi trồng… "Cần phải kiểm soát cả chuỗi để tránh được tồn dư kháng sinh trong sản phẩm”, ông Dũng đề xuất.

Ngoài ra những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu, tình trạng thiếu kinh phí trong công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin và trao đổi giữa các cơ quan hữu quan với nhau, giữa các cơ quan hữu quan với DN chưa hiệu quả… cũng được các Hiệp hội Cao su, Cà phê – Ca cao, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thẳng thắn nêu lên.

 

Tiếp thu những ý kiến từ các Hiệp hội, ngành hàng, DN nông sản, thủy sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tới đây cả hai Bộ Công thương và NN&PTNT sẽ còn rất nhiều việc cần phải phối hợp cùng nhau để giải quyết những khó khăn đang tồn đọng gây cản trở phát triển ngành nông sản, thủy sản. Bởi vậy, cả hai Bộ đã cùng thống nhất ký kết Bản ghi nhớ phối hợp công tác giữa hai Bộ. Theo đó, sẽ cùng thực hiện 5 giải pháp cơ bản để phần nào gỡ khó cho hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của các DN nông sản, thủy sản. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, trên cơ sở Bản ghi nhớ về phối hợp công tác này, các đơn vị trực thuộc hai Bộ sẽ tăng cường hơn nữa việc trao đổi và phối hợp để hoàn thành tốt hơn các giải pháp đặt ra, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2014 cũng như những năm tiếp theo.

Ý kiến bạn đọc