Rào cản thương mại
5 rào cản khi phát triển thị trường nước ngoài
19/11/2014
 Khả năng tiếp cận các dịch vụ văn phòng linh hoạt là một trong những khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi mở thị trường ở nước ngoài.

Theo khảo sát kinh doanh toàn cầu mới nhất do Regus, một trong những nhà cung cấp không gian làm việc hàng đầu thế giới thực hiện, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ thị trường trong nước nhiều hơn 263% so với các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tăng trưởng nhờ xuất khẩu.

Khảo sát được thực hiện trên 20.000 doanh nhân và nhà quản lý cấp cao đến từ 95 quốc gia trên thế giới. Kết quả khảo sát cho thấy 42% doanh nghiệp đang tập trung vào thị trường trong nước, trong khi chỉ 17% muốn phát triển bằng cách đẩy mạnh các hoạt động ngoại thương.

Khảo sát cũng đưa ra 5 rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi phát triển thị trường nước ngoài, bao gồm:

1. Tuyển dụng nhân viên tốt (89%).
2. Khả năng tiếp cận các dịch vụ văn phòng linh hoạt (84%).
3. Thiếu thông tin về thị trường (74%).
4. Thiếu hiểu biết và các mối quan hệ địa phương (63%).
5. Thiết lập mạng lưới phân phối địa phương (63%).

Ở các thị trường đang phát triển, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa. Kết quả khảo sát: có tới 51% doanh nghiệp tập trung tăng trưởng tại “sân nhà”, trong khi tỷ lệ các doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường nước ngoài chỉ bằng 1/3.

Đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy sự phục hồi kinh tế đã bắt đầu mang lại lợi ích cho người dân ở các nước đang phát triển. Theo đó, niềm tin người tiêu dùng đã có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp trở nên ít phụ thuộc vào doanh số xuất khẩu hơn.

Ông Serge Dupaux - Tổng giám đốc Regus Việt Nam nhận định: “Rõ ràng các doanh nghiệp đã đi ngược xu hướng trong 2 năm trở lại đây, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nhờ doanh thu đến từ thị trường trong nước, thay vì doanh thu xuất khẩu.

Thay đổi này đã giúp chúng ta nhận ra rằng, doanh nghiệp nào cũng cần hoạt động một cách linh hoạt để sẵn sàng mở rộng hay thu gọn quy mô khi cần thiết, nhằm ứng phó với các biến động trên thị trường. Đồng thời, nó cũng cho thấy sức mua của người tiêu dùng ở các nước đang phát triển đã gia tăng đáng kể”.

Theo ông, “dù chiến lược của doanh nghiệp là phát triển thị trường nội địa hay nước ngoài đi nữa, một chiến lược tăng trưởng thành công sẽ phụ thuộc vào những yếu tố chính như nắm bắt các thông tin thị trường chính xác và kịp thời; kết nối và xây dựng các mối quan hệ then chốt; tiết kiệm chi phí.

Các doanh nghiệp có thể cân nhắc việc sử dụng dịch vụ văn phòng linh hoạt để dễ dàng ứng phó với các biến động trên thương trường, đồng thời dành nguồn vốn cho các hoạt động tăng trưởng trong tương lai.

Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình khả năng điều chỉnh quy mô hoạt động - mở rộng nếu doanh nghiệp phát triển tốt, hoặc thu hẹp lại để chờ thời cơ khi cần thiết”.

Ý kiến bạn đọc