Rào cản thương mại
Xuất khẩu cá tra gặp khó do nhiều rào cản
26/11/2014
 KTNT - Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra, basa liên tiếp gặp khó khăn do nhiều rào cản từ các thị trường như Hoa Kỳ, EU,... Trong quý III/2009 mặt hàng này tiếp tục giảm 14 - 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu, trong đó, thị trường EU sụt giảm mạnh nhất. Điều này không chỉ làm các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chật vật mà còn ảnh hưởng đến tình hình nuôi cá tra cũng như đời sống của bà con nông dân.

Nguyên nhân

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 9, nước ta xuất khẩu được 58.554 tấn cá tra, basa, đạt kim ngạch 125,2 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2008. Trong quý III, xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam liên tục sụt giảm từ 14 - 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đáng buồn là sự tụt dốc tại thị trường nhập khẩu lớn nhất - EU. Sự sụt giảm mạnh lượng nhập khẩu cá tra vào các thị trường Tây Ban Nha và Ai Cập phần nào phản ánh hệ lụy của vụ việc “bôi bẩn” cá tra Việt Nam trên các phương tiện truyền thông các nước trong thời gian qua.

Kết quả xuất khẩu ảm đạm của quý III càng khiến kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay giảm mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 985 triệu USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm đồng loạt của 4 thị trường chính trong khối EU đã khiến tổng xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm rõ rệt. Riêng Hoa Kỳ được coi là thị trường có nhiều thách thức đối với cá tra Việt Nam với những rào cản thuế quan và kỹ thuật, nhưng lại duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định. Tháng 9, nước này đã nhập khẩu trên 4.000 tấn cá tra của Việt Nam, trị giá 13,48 triệu USD, tăng 77% về lượng và 75% về giá trị so với cùng kỳ.

Một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam giảm liên tiếp là do hệ lụy từ những thông tin “bôi xấu” cá tra Việt Nam. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu âu và Trung Đông tiếp tục bị ảnh hưởng do những thông tin bịa đặt về cá tra, basa Việt Nam. Trong khi đó, Luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là những trở ngại khiến xuất khẩu cá tra, basa gặp nhiều khó khăn.

Theo Vasep, mặc dù đang sụt giảm mạnh nhưng xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn có thể hy vọng vào những tháng cuối năm, khi Lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán sắp đến gần, nhu cầu của thị trường thế giới sẽ tăng. Dự kiến, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm có thể đạt kim ngạch trên 120 triệu USD/tháng và có khả năng vượt mức 1,3 tỷ USD.

Người nuôi gặp khó

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết, hiện nay giá cá tra loại 1 đã tăng từ 14.800 đồng lên 15.200 đồng/kg. Với giá này, người nuôi vẫn chưa có lời. Thời gian tới, giá cá tra cũng khó tăng thêm vì hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ lượng cá nguyên liệu cho xuất khẩu. ở các địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ, giá cá tra cũng chỉ ở mức 14.800-15.000 đồng/kg.

Thông thường đây là thời điểm nhu cầu xuất khẩu gia tăng, giá cá nguyên liệu cũng sẽ tăng theo, nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình xuất khẩu xấu đi đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá tra của nông dân. Ông Bình khuyến cáo, nông dân không nên vay nóng để nuôi cá đón đầu cơ hội tăng giá mà nên hợp tác với các doanh nghiệp nuôi cá theo hợp đồng và nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng doanh nghiệp mua cá tra, ba sa của nông dân nhưng không trả tiền hoặc bỏ trốn đang có xu hướng gia tăng khiến nhiều hộ lâm vào cảnh khốn đốn. Công ty TNHH Hào Huy Hùng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) mua cá từ đầu năm nhưng tới nay vẫn chưa trả hết tiền cho nhiều hộ ở ĐBSCL. Theo hợp đồng, Công ty thanh toán 40% sau khi bắt cá, còn lại trả dứt điểm trong 30 ngày. Tuy nhiên, đã quá hạn nhiều ngày mà Công ty vẫn không thực hiện như cam kết. Anh Cao Văn Cường ở Hòa Lạc (Phú Tân An Giang) kể: “Tôi bán 125 tấn cá, trị giá 1,7 tỉ đồng cách đây năm tháng. Tôi phải lặn lội lên TP. Hồ Chí Minh đòi tiền nhưng tới nay chỉ nhận được 800 triệu đồng”.

Còn tại An Giang, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng thương lái cầm sẵn hợp đồng mua bán của một số doanh nghiệp đi mua cá, mua xong rồi... trốn biệt. Tháng 3/2009, một nhóm xưng là nhân viên của Công ty cổ phần Gò Đàng (Mỹ Tho - Tiền Giang) mua 46 tấn cá của bà Huỳnh Thị Hai (Phú Bình - Phú Tân). Khi bà Hai đến lấy tiền thì doanh nghiệp chối bay chối biến bảo không hề mua cá của bà.

Theo ông Bình, để tránh bị lừa, nông dân nên chọn bán cá cho những doanh nghiệp lớn có uy tín, có địa chỉ, nhà máy cụ thể. Phía doanh nghiệp phải cho nhân viên đeo bảng tên của đơn vị khi thu mua. Mặt khác, phải chấm dứt tình trạng giao hợp đồng thu mua đã ký sẵn cho thương lái nhằm tránh tình trạng thương lái lợi dụng lừa gạt bà con.

Sau 15 năm lên xuống thất thường cùng con cá tra, người nuôi cá vẫn chịu cảnh “một cổ... lắm tròng” và chưa biết đến khi nào mới tháo gỡ hết khó khăn.

Ý kiến bạn đọc