Trò chủ động hơn
Chắc hẳn nhiều người sẽ thấy lạ lẫm khi bước vào phòng học của lớp 4A, Trường TH số 1 Ân Đức (huyện Hoài Ân). 35 học sinh được chia thành 6 nhóm, các thành viên của mỗi nhóm “quây” bàn lại, ngồi đối mặt với nhau. Nghĩa là, bảng đen không còn là trung tâm của sự chú ý. Giờ chính tả, các em tự học thuộc rồi chép lại bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chép xong, các em đổi vở cho nhau để dò lỗi chính tả. Một lỗi chính tả được chỉ ra, nhưng 2 bạn trong nhóm Thỏ trắng không thống nhất, nhóm trưởng Nguyễn Thị Thanh Nhân phải đứng ra “điều hành” cuộc thảo luận.
Nhận thấy không khí có vẻ căng thẳng, thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Quang Tuân tiến lại gần. Song, phải đợi đến khi nhóm trưởng giơ biển cần cứu trợ với biểu tượng “khuôn mặt buồn” lên, thầy Tuân mới ra mặt “phân xử”. “Cách học tập như thế này rõ ràng tăng tính chủ động của từng học sinh. Một lỗi chính tả được “mổ xẻ”, sai như thế nào, vì đâu dẫn đến viết sai, từ đó giúp các em nhớ kỹ nhớ lâu từng lỗi mà mình và bạn bè đã mắc phải”, thầy Tuân phân tích.
“Năm đầu tiên triển khai mô hình, các giáo viên rất vất vả, vì đụng đâu cũng gặp cái mới. Nhưng sang năm thứ 2, đã thành nền nếp, các thầy cô “thoát ly” giáo án, mở rộng nhiều kiến thức mới và sâu. Đồng thời, có nhiều thời gian để quan tâm đến từng học sinh”, cô Minh thông tin thêm.
Mặt tích cực của mô hình VNEN chưa dừng lại ở đó. Theo bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT, việc các công cụ hỗ trợ học tập được trang bị ở lớp được sử dụng thường xuyên đã gây hứng thú học tập cho học sinh, tạo không khí thoải mái cho lớp học. Ở một phương diện khác, vai trò của phụ huynh cũng được tăng cường thông qua hoạt động đánh giá con em ở các hoạt động cộng đồng.
Không dễ nhân rộng
Một trong những yêu cầu quan trọng của mô hình VNEN là học sinh khi học lên lớp 2 phải biết đọc và viết thành thạo, có vậy mới tự học được. Nhưng thực tế học sinh vùng nông thôn, miền núi giao tiếp còn nhiều hạn chế, tỉ lệ học sinh yếu môn Tiếng Việt khá cao. “Nội dung trong từng bài quá dài, đa số học sinh lớp 2 đọc còn đánh vần nên các em không hiểu câu lệnh, vì thế không tự giải quyết được các yêu cầu trong bài. Tình hình được cải thiện phần nào khi các em lên lớp 3”, bà Hồ Thị Phi Yến cho hay.
Bên cạnh đó từ phía giáo viên cũng có không ít rào cản. Ở một số giáo viên lớn tuổi, phải mất nhiều thời gian mới thành thạo việc sử dụng các ứng dụng tin học trong giảng dạy, tuổi tác khiến việc tiếp nhận cái mới bị hạn chế. Ngược lại, số giáo viên ít tuổi nghề tuy có kiến thức, trẻ khỏe nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, theo mô hình VNEN, cách đánh giá học sinh nặng về định tính hơn định lượng yêu cầu giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn. “Để đưa ra những đánh giá chính xác, khách quan, mỗi thầy cô giáo phải thật sự cố gắng hết mình, theo dõi sát sao, liên tục từng học sinh trong hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, hoạt động cộng đồng…Trong khi đó, lực lượng giáo viên của chúng tôi lại không ổn định, nhiều người mới ra trường đưa về đây thử thách rồi lại điều sang trường khác”, thầy Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường TH Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), cho biết.
Song, nan giải nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học chưa đáp ứng yêu cầu của mô hình VNEN. Tình trạng thiếu phòng học còn khá phổ biến, gây khó khăn cho việc tổ chức học 2 buổi/ngày, nhất là ở các trường thuộc khu vực bãi ngang, địa bàn khó khăn, trường chưa đạt chuẩn quốc gia.
Dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng sang năm học thứ 2, Trường TH số 1 Ân Đức vẫn còn những bộ bàn ghế dính liền nhau tại các lớp tham gia mô hình. Đây không phải là hiện tượng cá biệt. Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường TH số 2 Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Ghế không thể xoay được, nên mỗi lần cần nhìn lên bảng, nhiều em phải xoay 90-180 độ. Việc mua sắm bàn ghế đạt chuẩn cho đồng bộ không phải là chuyện đơn giản. Chuyện nhỏ, nhưng lại không nhỏ chút nào!”.