Rào cản thương mại
Ngành hàng Xuất khẩu đang gặp nhiều rào cản!
26/11/2014
 Nhiều ngành hàng xuất khẩu đang bị “đe dọa” về sức cạnh tranh, những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh thì lại gặp khó bởi các rào cản kỹ thuật. Các chuyên gia, đại diện ngành hàng xuất khẩu đã cho biết như trên tại hội thảo về triển vọng một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hội thảo do dự án Mutrap và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 18-4.

Hiệu quả thấp, mất giá rẻ

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may sẽ tăng trưởng trong xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đứng trước các khó khăn lớn. Một là lợi thế lớn nhất của ta - nguồn lao động giá rẻ - bây giờ đã thua Bangladesh. Lượng hàng dệt may mà Bangladesh xuất khẩu hiện lớn hơn của cả khối ASEAN cộng lại.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đánh giá hiệu quả lao động dệt may của ta rất thấp, chi phí thì cao. Đã có những nghiên cứu cho thấy năng suất lao động một công nhân ở Nhật là 32 cái áo/ngày, ở Trung Quốc là 16 cái áo/ngày, còn ở ta chỉ có bảy cái áo/ngày. Đương nhiên, không phải tốc độ may áo của công nhân Nhật nhanh hơn công nhân Việt Nam gấn 4-5 lần mà chủ yếu do khâu quản lý.

Ở Nhật, người ta tính trên toàn bộ dây chuyền sao cho sản phẩm ít bị khiếm khuyết nhất, chuyển động trên toàn bộ dây chuyền sao cho hiệu quả nhất, dẫn đến tổng sản phẩm đạt chất lượng làm ra rất cao. Trong khi đó, doanh nghiệp ta chỉ “soi” vào công việc của công nhân may áo mà chưa chú trọng vào hiệu quả của các khâu khác.

Với ngành đồ gỗ, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, nhận định: “Ngành gỗ cũng gặp khó khăn khi nguồn nguyên liệu chủ yếu khai thác ở phía Bắc, trong khi doanh nghiệp chế biến chủ yếu nằm ở phía Nam. Công nhân ta có tay nghề, dễ đào tạo vì nghề mộc là nghề truyền thống của dân tộc, thế nhưng công nhân ở Trung Quốc lại có giá rẻ hơn!”.

Ngành nào cũng đụng kỹ thuật

Không chỉ gặp khó khăn về hiệu suất, hiện nay các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề khó khăn về rào cản kỹ thuật. Ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), cho biết các rào cản thương mại đang được thiết lập ngày càng nhiều. Bởi thế, mặt hàng xuất khẩu nào của ta cũng phải đáp ứng vài yêu cầu kỹ thuật và ngày càng khắt khe hơn.

Theo ông Bảo, các ngành xuất khẩu mũi nhọn của ta thường gặp rắc rối về rào cản kỹ thuật. Với thủy sản là vấn đề hóa chất. Với sản phẩm dệt may, do nguyên phụ liệu thường là nhập khẩu nên ít phải lo về hóa chất trong nguyên phụ liệu nhưng chúng ta lại mắc lỗi về thiết kế sản phẩm không an toàn.

Với đồ gỗ, ta không gặp vấn đề về hóa chất hay thiết kế nhưng ta lại gặp vấn đề về chứng minh xuất xứ khai thác hợp pháp của gỗ! Tương tự, các sản phẩm mà ta thấy có tiềm năng, có triển vọng (ví dụ như trái cây) cũng phải tìm cách vượt qua cái khó đầu tiên là các rào cản kỹ thuật khó khăn rồi mới tiếp cận được thị trường, sau đó mới tính đến việc khai thác thị trường, mở rộng thị trường…

Ý kiến bạn đọc