Rào cản thương mại
Nhận diện, xóa bỏ rào cản nội tại
26/11/2014
 Việc doanh nghiệp dừng hoạt động, bị giải thể là điều hoàn toàn bình thường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cạnh tranh diễn ra gay gắt. Song bỏ qua những thông tin về số lượng, có thể thấy nội tại cộng đồng doanh nghiệp, hay nói cho đúng là chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta đang có rất nhiều vấn đề. 

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 vừa được công bố, điểm số về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp do phần lớn đang giậm chân tại đáy của chuỗi giá trị (cạnh tranh). Các chỉ số về khả năng tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam giảm và chỉ đứng ở vị trí 106/144 đối tượng khảo sát. Đặc biệt, khả năng tiếp nhận công nghệ mới của doanh nghiệp nước ta còn thấp hơn nữa, chỉ xếp thứ 118/144. Đến thời điểm này, Việt Nam đã gia nhập WTO được 7 năm, thế nhưng thực tế cho thấy sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được cải thiện đáng kể. Đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thị phần khiêm tốn, tiềm lực tài chính, khoa học - công nghệ yếu. Đến nay, những doanh nghiệp xuất khẩu mũi nhọn như dệt may, da giày… hằng năm tuy có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước song hầu như vẫn chỉ làm gia công; các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp thì chỉ xuất "thô", nhập thành phẩm…
Kết quả cuộc điều tra chọn mẫu về xu hướng sản xuất - kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong phạm vi cả nước do Tổng cục Thống kê thực hiện cũng tương đồng với những nhận xét nêu trên: Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có thông tin chắc chắn về nhu cầu của thị trường thế giới. Có tới 55,8% doanh nghiệp được hỏi trả lời không biết hoặc không đánh giá được nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, không có nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu nên hạn chế nhiều đến khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường… 
Ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước dường như cũng tỏ ra "hụt hơi" trong "cuộc chơi" giờ đây đã không còn bó hẹp như trước năm 2007 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO) dù trên thực tế, khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực đã mở toang cánh cửa cho doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam. Có nhiều thông tin nóng, rất đáng suy ngẫm về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hiện đang rất nhức nhối: Mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu hàng chục nghìn tấn đũa, tăm tre từ Trung Quốc, trong khi cây tre hiện diện bạt ngàn ở hầu khắp các làng quê nước ta; là đất nước nông nghiệp nhưng chúng ta phải nhập khẩu đến mức phụ thuộc về giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… trong khi ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn hoạt động tại Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước không có khả năng cung ứng ngay cả con ốc vít, cái sạc điện thoại… Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước không cần làm tất cả mọi sản phẩm, tuy nhiên những sản phẩm liên quan đến thế mạnh nội tại mà vẫn bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị phần thì quả thực khó hiểu. 
Nói vậy để thấy rằng chuyện "sinh - tử" của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh gay gắt là hoàn toàn bình thường nhưng nếu nhìn từ chất lượng nội tại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì rõ ràng có nhiều điều đáng để suy ngẫm và lo lắng. Tại các diễn đàn, hội thảo, các doanh nghiệp đã ra rả than phiền về những bất cập trong cơ chế, chính sách, sự rườm rà trong thủ tục, quy định pháp luật…, song có lẽ ít có doanh nghiệp nhận thấy những bất cập nội tại của mình như: Tầm nhìn thiển cận, tư duy làm ăn manh mún, chụp giật, tâm lý cạnh tranh thiếu lành mạnh… Và đây mới là những rào cản, những bất cập lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày mai 13-10, tròn 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, có thể xem là sinh nhật chung của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Không ít vấn đề nêu trên từng được đề cập từ 10 năm trước, liệu rằng sẽ còn được lật đi lật lại đến bao giờ?

Ý kiến bạn đọc