Rào cản thương mại
Chính sách mới hay rào cản mới?
26/11/2014
 Tăng thuế, có thực tăng sản xuất trong nước?

Theo đề xuất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Bộ Tài chính mới đây đã quyết định tăng thuế nhập khẩu phân bón lên gấp đôi so với mức cũ (từ 3% lên 6%). Trước đó, nêu lên những khó khăn đang gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Vinachem cho biết, hầu hết các chỉ tiêu chính về sản xuất công nghiệp, doanh thu trong năm 2014 của Tập đoàn đều thấp hơn cùng kỳ, trong đó sản xuất phân bón đạt thấp nhất so với nhiều năm gần đây. "Nguyên nhân chính gây ra những khó khăn này là bởi, lượng phân bón urê và NPK nhập khẩu cuối 2013 và đầu 2014 tăng mạnh trong khi sản lượng urê của 4 nhà máy trong nước đã dư khoảng 300 nghìn tấn/năm”, theoVinachem.

Trước đó, để bảo vệ quan điểm tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phân URE và DAP, cả Vinachem và Bộ Tài chính đều cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu là nhằm khuyến khích sản xuất phân bón UREA và phân DAP trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu các loại phân bón này từ Trung Quốc. Như vậy cũng sẽ góp phần làm giảm sự lệ thuộc của ngành phân bón vào thị trường Trung Quốc, đồng thời sẽ hạn chế được những vấn đề bất cập hiện nay của thị trường phân bón như vấn đề về phân bón giả, hàng lậu, hàng nhái… như thời gian vừa qua dư luận đã được thấy.

Ngay sau những thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu đối với sản phẩm phân bón được nhà quản lý áp dụng, thị trường phân bón đã chứng kiến những thay đổi rõ rệt về lượng phân bón nhập khẩu. Cụ thể, trong tháng 9-2014, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu 433,7 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 153,7 triệu USD, tăng 33,2% về lượng và tăng 46% về trị giá so với tháng 8-2014, nâng lượng phân bón nhập khẩu từ đầu năm cho đến hết tháng 9 lên 2,9 triệu tấn, trị giá 942,7 triệu USD. Tuy nhiên, con số này so với cùng kỳ 9 tháng năm 2013, đã giảm 13,1% về lượng và giảm 25,3% về trị giá.

Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, thì trong 9 tháng 2014, nhập khẩu phân bón của Việt Nam giảm ở hầu khắp các thị trường, số thị trường có lượng phân bón giảm chiếm trên 53%.  Đặc biệt nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đã giảm cả lượng và giá trị. Theo đó, 9 tháng 2014, Việt Nam đã nhập 1,5 triệu tấn phân bón từ Trung Quốc, trị giá 481,1 triệu USD, giảm 9,96% về lượng và giảm 18,16% về trị giá so với cùng kỳ.

Việc giảm cả lượng và giá trị nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc được nhà quản lý đánh giá, là do chính sách tăng thuế nhập khẩu phân bón đã phần nào khuyến khích các DN trong nước tự sản xuất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ lo lắng, việc tăng thuế nhập khẩu lại đang khiến cho tình trạng phân bón giả đội lốt hàng sản xuất trong nước gia tăng trên thị trường. Bằng chứng là, tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Bắc Kạn… hiện tượng phân bón rởm được các thương nhân "phù phép” đội lốt hàng sản xuất trong nước lại đang ngày một gia tăng. Như vậy, vô hình trung, việc tăng thuế nhập khẩu phân bón lại đang gây khó cho DN trong ngành khi họ không thể cạnh tranh nổi với những lối làm ăn phi pháp của một số thương nhân. 

Chính sách mới tạo thêm rào cản 

Cùng với chính sách tăng thuế nhập khẩu, mới đây, một thông tư vừa được nhà quản lý ban hành liên quan đến quy định về điều kiện nhập khẩu phân bón đã và đang khiến các DN không biết xoay sở ra sao. Cụ thể, ngày 15-10 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 35/2014/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón. Theo đó, Thông tư quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón thuộc Danh mục quy định. Theo Thông tư, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tự động phải tuân thủ các nội dung như: Thương nhân gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép nhập khẩu tự động tới địa chỉ Cơ quan cấp phép theo đường bưu điện. Ngày tiếp nhận hồ sơ được tính theo ngày ghi trên dấu công văn đến. Thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu tự động là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp phép xem xét, cấp Giấy phép nhập khẩu tự động cho thương nhân; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp phép có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Giấy phép nhập khẩu tự động được gửi cho thương nhân theo đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên Đơn đăng ký.

Bên cạnh đó, khi làm thủ tục nhập khẩu, thương nhân phải nộp cho Cơ quan Hải quan Giấy phép nhập khẩu tự động đã được cấp cùng với bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định hiện hành và phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành. 

Không ít DN bày tỏ, những quy định được đưa ra trong Thông tư nêu trên lại giống như tạo thêm rào chắn gây khó cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, theo ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phầnVinacam, những quy định trong Thông tư 35 đang đi ngược lại với thông lệ quốc tế. Đơn cử như, quy định  về việc yêu cầu thương nhân phải trình được hợp đồng nhập khẩu và tờ khai L/C, hóa đơn thương mại… rồi mới cấp phép nhập khẩu là hoàn toàn bất hợp lý, là ngược quy trình. Vì theo thông lệ quốc tế, DN phải được cấp phép, hạn ngạch nhập khẩu thì đối tác mới ký hợp đồng. Bởi vậy, việc yêu cầu phải có hợp đồng nhập khẩu trước rồi mới cấp phép là đang đi ngược với quy luật thương mại quốc tế. Theo ông Hải, quy định này là không hợp lý, bởi vì nếu phải chờ quyết định cấp phép của nhà quản lý tới. "Theo như những quy định trong Thông tư 35, chắc chắn sẽ không có một DN nào có thể nhập khẩu được phân bón UREA và NPK về Việt Nam”- ông Hải khẳng định

Bởi vậy, ông Hải cho rằng, thay vì đưa ra các chính sách mới với những quy định thiếu thực tiễn gây khó khăn thêm cho DN, các nhà quản lý nên tăng cường, kiểm tra, giám sát, xử lý các nhà máy, DN sản xuất phân bón giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các DN làm ăn chân chính.

Ý kiến bạn đọc