Rào cản thương mại
Vượt rào cản mở rộng thị trường xuất khẩu
26/11/2014
 Xuất khẩu tăng

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 96,98 tỷ USD, tương đương 11,99 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu cả nước ước đạt 1,69 tỷ USD, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng XK đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2014, tỷ trọng nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm từ 20,4% xuống còn khoảng 14%; tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% xuống còn 6,2%; tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng mạnh từ 61,2% lên 74,1%. Ngoài ra, những mặt hàng kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Riêng năm 2014, có khoảng 24 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm tới 86% tổng kim ngạch XK.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Nhờ xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, cán cân thương mại đã được cải thiện rõ rệt và chuyển từ trạng thái thâm hụt lớn trong giai đoạn 2006 - 2011 (cao nhất là trên 18 tỉ USD và năm 2008 và luôn giữ trên mức 12 tỷ USD trong 4 năm 2007 - 2010) sang trạng thái thặng dư. Theo đó, năm 2012 xuất siêu là 750 triệu USD, năm 2013 là khoảng 300 nghìn USD và năm 2014 ước đạt 500 triệu USD.

Để thị trường XK tiếp tục mở rộng và phát triển ổn định, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược XK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường XK liên tục được đẩy mạnh. Việc triển khai các Hiệp định FTA đã ký kết được Bộ Công Thương chú trọng, quan tâm thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các DN trong việc tận dụng lợi thế các FTA, góp phần đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy XK của cả nước đang tăng trưởng, nhưng theo đánh giá của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, DN XK vẫn gặp những khó khăn và thách thức trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa các nước, gây không ít trở ngại trong việc tăng sản lượng cũng như doanh thu XK.

Tại diễn đàn, các hiệp hội, DN XK cho biết hiện những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng tốt nhưng công nghiệp phụ trợ đến nay vẫn kém. Do đó, DN không tận dụng được những cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp tới. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thuế nhằm giảm bớt khó khăn cho DN, nhưng lại không tháo gỡ khó khăn ở nguyên liệu đầu vào nên chi phí không bù đắp được trong sản xuất. Thậm chí, một số chính sách mới được ban hành để tháo gỡ cho DN nhưng đồng thời lại là những rào cản do không phù hợp với thực tế.

Bà Hồ Thị Kim Thoa -  Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường

Để đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 11%/năm, Bộ Công Thương đã tăng cường những giải pháp và định hướng để phát triển xuất khẩu. Cụ thể, tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Tăng cường công tác dự báo thị trường, bám sát tình hình thị trường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường nhằm kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực, có lượng hàng hóa lớn.

Cụ thể là tình trạng cầu, đường không đồng bộ, thay đổi biển báo tải trọng ở một số cầu, lập thành “bẫy giăng” DN trên các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu sản xuất cũng như hàng ra cảng XK. Ngay cả nguồn vốn cho sản xuất, DN cũng không dễ tiếp cận. Một số thị trường như Đông Âu, Nhật có tiềm năng xuất khẩu nhưng chính sách nhập khẩu của các nước không ổn định, hay áp dụng luật mới, tăng thêm danh mục những loại nông dược, kháng sinh phải kiểm soát đôi khi không thông báo trước, cấm tạm thời nhập khẩu không cho biết hạn định, rồi lại dở bỏ quy định không cần báo trước, khiến DN bị động...

TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội thừa nhận, việc đầu tư của Nhà nước vào hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập đầu tư nguồn lực cần thiết. Theo đó, hiệu quả XK của một số mặt hàng chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, một số mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam được XK dưới dạng thô hoặc sơ chế, có giá trị gia tăng thấp, công tác xây dựng thương hiệu chưa thực sự hiệu quả. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, mặc dù kim ngạch XK lớn, đóng góp cao vào kim ngạch XK chung nhưng chủ yếu là loại hình gia công, tỷ lệ nội địa hóa tuy đã tăng theo thời gian nhưng vẫn còn thấp nên giá trị gia tăng của sản phẩm XK chưa cao.

Ngoài ra, mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, DN chế biến và thương nhân XK chưa được thiết lập một cách hiệu quả để góp phần ổn định nguồn nguyên liệu và tạo sự chủ động trong việc điều tiết lượng hàng XK. Công tác xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa XK, nhập khẩu còn hạn chế. Do đó, chưa góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm XK, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO

Ý kiến bạn đọc