Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (25/9), tại Hà Nội với chủ đề “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu”.
Theo Bộ Công Thương, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh cả về quy mô và giá trị. Cho đến nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Các ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó có thực phẩm và đồ uống tăng trưởng một cách ấn tượng.
Năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 29,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 24 tỷ USD. Mặc dù là thị trường tiềm năng song đây cũng là thị trường có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi Mỹ có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại, trong đó có nhiều quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Hiện, riêng hàng thủy sản, Mỹ chiếm 22% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2013, thị trường này tiêu thụ nhập khẩu tới 1,5 tỷ USD. Một số mặt hàng khác như điều, cà phê và nhiều sản phẩm khác cũng có nhiều cơ hội. Thị trường Mỹ nhiều tiềm năng với mặt hàng xuất khẩu mới của Việt Nam, tuy nhiên những rào cản về kỹ thuật và quy định của cơ quan an toàn thực phẩm của Mỹ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng các luật mới đối với các mặt hàng nhập khẩu. Nếu nắm bắt được thông tin đáp ứng được yêu cầu thì kim ngạch còn tăng trưởng hơn nữa”.
Theo ông David Lennarz, Phó Chủ tịch công ty Registrar Corp (một công ty tư vấn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ), đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống, việc xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ phải tuân thủ các quy định của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), cụ thể là về Luật chống khủng bố sinh học; việc đăng ký, đại diện tại Mỹ, thông báo trước; ghi nhãn, định dạng, ngôn ngữ; hệ thống phân tích và kiểm soát nguồn nguy hại và tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMPs). Rất nhiều doanh nghiệp mắc lỗi khi xuất hàng sang thị trường tiềm năng này, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận hoàn thiện và cặn kẽ các quy định an toàn thực phẩm, dược phẩm của FDA.
Ông David Lennarz cũng lưu ý, trước khi xuất mặt hàng thực phẩm, dược phẩm sang Mỹ, các doanh nghiệp phải đăng ký và khai thông báo trước với FDA. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm của FDA, sau khi đăng ký với FDA sẽ có thời gian để thẩm tra lại doanh nghiệp cũng như các nhà máy xem có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, rồi mới được phép xuất hàng sang.
Ông David Lennarz nói: “Một số điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là phải đăng ký với FDA về cơ sở sản xuất đóng gói sản phẩm của mình; phải đảm bảo ghi nhãn phù hợp với FDA; chuẩn bị cho việc thanh tra của FDA về cơ sở sản xuất thực phẩm. Quan trọng nhất của những quy định sắp tới của FDA được ban hành vào tháng 10/2015 là phải phát triển hệ thống an toàn thực phẩm và hệ thống này đảm bảo sản phẩm được sản xuất an toàn, chất lượng. Đặc biệt là hệ thống này phải phân tích mối nguy và phòng ngừa rủi ro để hạn chế thấp nhất nguy hại”.
Hiện, Bộ Công Thương có nhiều hoạt động để phổ biến những nét mới về quy định an toàn thực phẩm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, lâm sản, thực phẩm của Việt Nam rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu, đăng ký giấy phép đồng thời tránh những rủi ro trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng các quy trình, thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ để tránh rủi ro.