Thực trạng này đã và đang gây ra những bất cập trong thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giải quyết hàng tồn kho bất động sản; kéo dài “giấc mơ” sở hữu nhà đối với người dân thành phố, nhất là đối tượng thu nhập thấp.
Đang lo âu vì còn phải nộp nốt hơn 400 triệu đồng để mua căn hộ tại NO12-2 thuộc dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng, anh Nguyễn Tuấn Anh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vui mừng khi biết thông tin Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Anh Tuấn Anh nhẩm tính, nếu vay được tiền mua nhà từ khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi trên trong dài hạn 10 năm thì trung bình mỗi tháng vợ chồng anh sẽ chỉ phải trả nợ cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi hơn 5 triệu đồng. "Món tiền này là phù hợp với hoàn cảnh của cả hai vợ chồng tôi khi đều là những công chức nhà nước"- anh Tuấn Anh tâm sự.
Song, khi cầm hợp đồng mua nhà đến Ngân hàng Viettinbank hỏi thủ tục vay vốn từ gói ưu đãi lãi suất 6%/năm, anh Tuấn Anh mới “té ngửa” khi biết mình không thuộc diện được vay.
Bởi theo quy định của ngân hàng này, điều kiện được vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại bắt buộc phải có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ của anh Tuấn Anh mua trước đây lại có diện tích là 73,26m2.
Thêm điều kiện nữa là chủ đầu tư của dự án này không đồng ý ký cam kết ba bên với ngân hàng khác (một trong những điều kiện bắt buộc để được vay vốn), trừ Ngân hàng Viettinbank. Ngân hàng chặt, chủ đầu tư khó, người mua nhà đang lâm vào hoàn cảnh trở đi không được, trở lại không xong nếu muốn hiện thực hóa “giấc mơ” sở hữu nhà của mình.
Cùng tâm trạng mừng “hụt” như anh Tuấn Anh, nhiều cán bộ công chức đang khó khăn về nhà ở tại Hà Nội cho rằng, ngoài việc diện tích căn hộ phải nhỏ hơn 70m2, thì các văn bản hướng dẫn đều quy định, chỉ các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7.1 mới thuộc đối tượng được cho vay. Hay về đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng mua nhà thu nhập thấp cũng vậy, cũng chỉ áp dụng cho những hợp đồng ký từ ngày 1.7.2013 đến hết 30.6.2014.
Tương tự, tại Ngân hàng Thương Mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để được hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp tại BIDV thì điều kiện đầu tiên khách hàng phải có hợp đồng mua nhà sau ngày 7/1. Đây là quy định bắt buộc và chỉ khi có hợp đồng này thì ngân hàng mới xét duyệt đến các loại giấy tờ tiếp theo.
Anh Nguyễn Văn Hưng, cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đức Nam băn khoăn không biết với những điều kiện tưởng như đầy đủ của mình có chắc chắn được vay vốn hay không để mà ký hợp đồng với chủ đầu tư và nộp trước 20% tổng giá trị căn hộ. Vì nếu nộp tiền để có hợp đồng, nhưng vì một lý do nào đó mà không được ngân hàng cho vay thì người mua nhà biết lấy tiền đâu để đóng tiếp.
Không chỉ “ngặt nghèo” về điều kiện đối với căn hộ, chủ đầu tư, những đối tượng thuộc diện có nhu cầu vay tiền còn phải trải qua công đoạn “xin xác nhận” với cách giải quyết mỗi nơi, mỗi cách của chính quyền cơ sở, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong tâm trạng phấp phỏng.
Người dân mua nhà thu nhập thấp có quy trình bắt buộc là phải đến Ủy ban Nhân dân phường xin xác nhận tình trạng nhà ở. Mặc dù theo mẫu giấy xác nhận chỉ cần ý kiến của Tổ trưởng dân phố nơi cư trú là lãnh đạo phường sẽ xác nhận nhưng một số nơi lại yêu cầu người dân phải nộp lên tổ địa chính của phường, sau đó phường sẽ cử cán bộ xuống xác minh và xác nhận.
Có những trường hợp nộp đến gần cả tháng mà vẫn chưa thấy ngày hẹn trả hồ sơ. Hoặc có nơi chính quyền địa phương chỉ xác nhận có đăng ký thường trú hoặc tạm trú hay không; cơ quan công tác chỉ đồng ý xác nhận mức thu nhập hoặc vị trí làm việc chứ không xác nhận tình trạng đã có nhà ở hay chưa?
Cảm thông với “cái khó” của khách hàng, nhân viên tín dụng Ngân hàng BIDV thừa nhận nhìn chung, các thủ tục không hề đơn giản vì nói dành cho đối tượng thu nhập thấp nhưng lương thấp quá thì cũng khó cho vay nên đến thời điểm này ở BIDV cũng chưa có ai được vay cả. Còn tại Ngân hàng Agribank, dường như việc hỗ trợ cho vay gói lãi suất 6%/năm còn khá mới mẻ, nên nhân viên tín dụng chỉ xin số điện thoại của khách hàng và hứa sẽ liên hệ lại để tư vấn khi được cung cấp đầy đủ tài liệu và kiến thức.
Một số ý kiến cũng băn khoăn, liệu trong 70% gói tín dụng 30.000 tỷ dành cho vay cá nhân kia, bao nhiêu % sẽ dành cho vay nhà ở thương mại, bao nhiêu % cho vay mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội.
Nếu để chứng minh thu nhập của người vay có đảm bảo khả năng trả nợ hay không thì người mua nhà thu nhập thấp sẽ khó cạnh tranh với người mua nhà ở thương mại. Vì thế, nếu không quy định cụ thể dành bao nhiêu vốn cho người mua nhà thu nhập thấp thì sẽ “làm khó” đối tượng này rất nhiều.
Từ thực tế triển khai áp dụng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng để phát huy hết hiệu quả từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và đặc biệt tránh tình trạng lợi ích nhóm, mọi tiêu chí cho vay phải rõ ràng, công khai, ngân hàng phải hướng dẫn cụ thể và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, người dân cũng cần cân nhắc kỹ khả năng thanh toán để quyết định mua hay thuê mua nhà ở xã hội để tránh gánh nặng về sau trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn thường nhật trong nỗ lực chu toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và xã hội.