CôngThương - Đây là nội dung chủ yếu được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Phát triển TMĐT trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế” do Hiệp hội TMĐT Việt Nam phối hợp cùng Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Đại diện Công ty IC Telecoms chia sẻ, đối với các DN nhỏ và vừa, TMĐT là công cụ hữu hiệu để tiếp thị bán hàng, mở rộng thị trường từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên sức mạnh của TMĐT lại bị một số cá nhân, công ty lợi dụng vào mục đích kinh doanh xấu, bất hợp pháp gây thiệt hại về tiền bạc, uy tín cho cả khách hàng lẫn DN.
Cùng chung quan điểm, ông Triệu Việt Cường, đại diện công ty phần mềm và truyền thông VASC cho biết, cùng với việc phát triển nhanh TMĐT, thanh toán điện tử tại Việt Nam cũng trở nên sôi động và phát triển mạnh nhờ sự ra đời của các cổng thanh toán trực tuyến. Điều này góp phần thúc đẩy nhanh các DN tham gia thanh toán điện tử trong thời gian gần đây. Nhưng chính sự thuận lợi này lại khiến DN dễ dàng bị thiệt hại do những lỗ hổng an ninh trong thanh toán điện tử. Nguyên nhân là do những hạn chế trong cơ chế tạo chữ ký điện tử không an toàn hiện đang được sử dụng tại một vài cổng thanh toán trực tuyến dẫn tới việc Hacker lợi dụng lỗ hổng này gây thiệt hại cho DN.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Sơn, CEO công ty Giải pháp điện tử (eSolutions) nhìn nhận, nếu trong thập kỷ trước, người ta nói đến những hạn chế hay rào cản của TMĐT gồm vấn đề an ninh, mức độ rủi ro, trình độ khai thác… thì ngày nay người ta nhân diện thêm các rào cản khác. Đó là năng lực tiếp cận của mỗi DN, là vai trò tiên phong của chính phủ trong việc ứng dụng TMĐT trong lĩnh vực công hay kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển TMĐT, chiến lược đào tạo, sử dụng nhân lực cho ngành TMĐT của DN. Theo ông Sơn, một DN muốn phát triển TMĐT cần đưa TMĐT hội nhập vào chiến lược kinh doanh của công ty, nâng cao ý thức xây dựng thương hiệu và cố gắng đưa tới khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất.
Hiện nay ở Việt Nam, mô hình mua sắm cộng đồng hiện được nhiều công ty lớn, nhỏ tham gia để quảng bá, bán sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Những trang website mua sắm cộng đồng đứng đầu trong lĩnh vực này là Nhommua.com của Tập đoàn MJ group (chiếm khoảng 60% thị phần Việt Nam) với doanh thu 6 triệu USD/tháng. Tiếp đến là hotdeal.vn của công ty kinh doanh sách trực tuyến Mekongcom (Vinabook) với khoảng 5.000 giao dịch/ngày, muachung.vn của Tập đoàn truyền thông VC Corp có 2.000 giao dịch/ngày…
Tuy nhiên, hiện một số website mua sắm cộng đồng chỉ dừng lại ở việc trưng bày và giới thiệu hàng hóa theo cách đơn giản, chỉ đưa hình ảnh minh họa sản phẩm chứ không chú ý đến hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Do vậy, DN muốn ứng dụng tốt TMĐT vào kinh doanh cần chú ý đến vấn đề hậu mãi cho khách hàng. Hậu mãi ở đây không chỉ là bảo hành, bảo dưỡng dịch vụ, sản phẩm mà còn là những hoạt động hỗ trợ bán hàng như tư vấn, giải thích, cung cấp các thông tin tham khảo cho khách hàng.
Nguồn: www.baocongthuong.com.vn