Rào cản thương mại
EVFTA: thách thức đối với Việt Nam nằm ở rào cản phi thuế quan
27/05/2015

"Đối với Việt Nam, EU là một trong những thị trường quan trọng nhất. Quan hệ kinh tế Việt Nam – EU là mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. EU không phải là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam", ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam nhấn mạnh.

Do đó, Việt Nam không nên lo lắng các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị đào thải khỏi thị trường trong nước một khi tự do hóa thương mại được thực hiện.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần phải tập trung giải quyết là thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam, đặc biệt là trong các chương trình mua sắm của chính phủ, cơ chế thực thi pháp luật và chế tài.

"Chúng ta sẽ phải sửa đổi và ban hành một số luật mới trong đó có luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật đấu thầu, luật mua sắm công, luật cạnh tranh và luật sở hữu trí tuệ," ông Tuyển cho biết.

EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng đều đặn từ 15-20%/ năm. Tốc độ tăng trưởng cao này vẫn đạt được  ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, EU có 1.300 dự án FDI tại Việt Nam với tổng giá trị vốn đầu tư 17 tỷ USD và Việt Nam đã đầu tư 33 dự án vào EU với tổng trị giá 110 triệu USD.

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại nền kinh tế quốc gia của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn khi EVFTA được ký kết.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam có lợi thế trong ba ngành hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ và đang thu hút đầu tư vào bốn ngành hàng dệt may, giày dép, công nghệ cao và ô tô.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để giúp nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể không tận dụng được EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu sang EU vì những thách thức đối với các doanh nghiệp không nằm trong các mức thuế suất mà nằm ở hàng loạt rào cản phi thuế quan.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia kinh tế từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương(CIEM), một khi EVFTA có hiệu lực, 90% các sản phẩm đồ gỗ nội thất Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% khi vào EU.

Tuy nhiên, nếu các sản phẩm Việt Nam không vượt qua được các rào cản phi thuế quan thì sẽ không thể thâm nhập thị trường EU.

Các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của EU trong đó có các nguyên tắc về xuất xứ sản phẩm. Các doanh nghiệp sẽ phải chi phí rất tốn kém để có thể đạt được các tiêu chuẩn FLEGT - Đảm bảo thực thi Luật Lâm sản, Quản trị và Thương mại EU hoặc có được giấy chứng nhận của FSC (Hội đồng Quản lý Lâm sản) và thỏa mãn các tiêu chuẩn REACH.

Tương tự như vậy, đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, các nhà sản xuất sẽ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm như REACH và các tiêu chuẩn tự nguyện như BSCI, SA 8000...

Nguồn:  www.intellasia.net
Ý kiến bạn đọc