Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN đạt 7,83 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu .
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, ngoài những nguyên nhân khách quan như tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, giá xuất khẩu của nhiều nhóm hàng nông sản giảm sút… thì tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại chính là nguyên nhân khiến các sản phẩm của Việt Nam gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng tại các thị trường này. Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của ta chưa cạnh tranh được về giá và sự đa dạng chủng loại hàng hóa.
Đơn cử với mặt hàng thép, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia không căn cứ vào GDP để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội như Việt Nam mà căn cứ trên tỷ lệ người thất nghiệp. Vì thế, khi có sự gia tăng nhập khẩu bất thường đối với một loại hàng hóa nào đó thì họ phải có những chính sách, rào cản để hạn chế việc bán phá giá, giảm ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều năm qua, thép Việt liên tục bị áp thuế chống bán phá giá tại Malaysia, Indonesia.
Với các sản phẩm tiêu dùng, hàng hóa Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... Nếu như hàng Hàn Quốc, Mỹ, Nhật đã có thương hiệu, uy tín và chất lượng được khẳng định thì sự “bành trướng” của hàng Thái Lan những năm gần đây đã khiến hàng hóa của quốc gia này trở thành đối thủ đáng gờm của bất cứ quốc gia nào. Trong khi đó, muốn tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và giảm giá bán, tuy nhiên đây là những việc chưa thể làm ngay.
Tương tự như thị trường ASEAN, kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản sau 5 tháng đạt 5,54 tỷ USD, giảm 2,2% và chiếm tỷ trọng 7,9% tổng kim ngạch xuất khẩu .
Nhật Bản là thị trường lớn, có vai trò kết nối hàng Việt với thế giới, tuy nhiên những tháng qua, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có sự sụt giảm lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân đến từ việc thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ, biến động của đồng Yên… thì việc Nhật Bản ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chính là rào cản lớn nhất với hàng Việt, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản.
Đơn cử như với mặt hàng thủy sản, từ năm 2015 đến những tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đã có lúc tụt xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nguyên nhân là Nhật Bản tiếp tục áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về ATVSTP đối với thủy sản Việt hơn EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại của Nhật đang có xu hướng tìm nguồn nhập khẩu với giá rẻ hơn từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào Nhật Bản, Bộ Công Thương đang làm việc với cơ quan chức năng của Nhật Bản để khơi thông thị trường, tháo gỡ các rào cản như mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh enrofloxacin mà Nhật Bản đang áp dụng với mặt hàng tôm của Việt Nam.
Nguồn: Báo điện tử Công thương