Thị trường xuất nhập khẩu
Một số lưu ý khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Nhật Bản
08/10/2013

Ông Koichi Takano, Phó trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản – JETRO: “Hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là đảm bảo được chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng”.

Hiện nay, lượng hàng hoá xuất khẩu của nước ta vào thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm xấp xỉ 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản mỗi năm. Trong khi đó, thị phần của Thái Lan 2,9%, Inđônêxia 4,2% và nhất là Trung Quốc lên tới 20,5%.

Các doanh nghiệp làm việc với đối tác Nhật Bản cho biết: để xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật, các yếu tố quan trọng hàng đầu là phải tỉ mỉ, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng thời gian. Bà Nguyễn Bích Liên, cán bộ Phòng thương mại đối ngoại của Công ty Secoin – đơn vị có nhiều năm xuất khẩu vật liệu xây dựng sang thị trường Nhật Bản, cho biết: “Cách đây 10 năm chúng tôi đã  xuất khẩu hàng sang thị trường Nhật Bản. Bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và số lượng hàng, thì đối tác Nhật quan tâm rất tỉ mỉ tới cả cách bao gói, mẫu mã sản phẩm. Ngay như bao bì được làm bằng gì, kích thước, rồi những mắt lỗ thông hơi trên bao bì có khoảng cách bao nhiêu, mỗi bao có bao nhiêu lỗ là hợp lý.v.v.. cũng được đối tác Nhật kiểm tra rất cẩn thận. Tất cả nói lên cho thấy, người Nhật rất tỉ mỉ và khó tính. Tuy nhiên, khi đã trở thành đối tác thì sẽ rất lâu dài”.

Ông Koichi Takano, Phó trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản – JETRO, cho biết: “Khi hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là đảm bảo được chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Các doanh nghiệp Nhật Bản không chấp nhận cùng một lô hàng mà chất lượng sản phẩm lại khác nhau, thời gian giao hàng chậm. Các doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu Nhật Bản để tìm hiểu thị hiếu, phong cách tiêu dùng của người Nhật, qua đó sản xuất các sản phẩm phù hợp”.

Các mặt hàng đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta được thị trường Nhật Bản đánh giá rất cao và có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý: người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, tinh tế và rất chú ý đến từng chi tiết của sản phẩm. Những vết xước nhỏ, mẩu chỉ cắt còn sót lại trên mặt sản phẩm dệt may, những lỗi nhỏ do sơ ý trong khi vận chuyển cũng sẽ làm người tiêu dùng Nhật Bản không hài lòng về sản phẩm đó. Về một số lưu ý đối với hàng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, ông Nguyễn Bảo, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: Xuất khẩu đồ gỗ của nước ta sang Mỹ, EU và Trung Quốc rất nhiều nhưng vào Nhật Bản lại chưa nhiều, vì sao vậy? Các nhà xuất khẩu đồ gỗ lưu ý: nhà của Nhật Bản thường nhỏ, do đó đồ gỗ không được quá to, phải tương xứng với ngôi nhà, không thể xuất khẩu những mặt hàng giống như xuất khẩu sang thị trường khác. Một lưu ý khác là người Nhật Bản rất ưa thích màu tự nhiên.

Theo các chuyên gia thương mại của nước ta, bên cạnh các mặt hàng truyền thống xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các mặt hàng khác của nước ta cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian tới là: rau hoa quả tươi, các loại thịt và sản phẩm từ thịt, hàng cơ khí gia dụng, nhựa gia dụng… Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp nước ta khi xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Nhật Bản là các điều kiện về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, tổ chức lại sản xuất hợp lý và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản để học hỏi, nắm bắt những kinh nghiệm sản xuất cũng như thâm nhập thị trường

Ý kiến bạn đọc