Thị trường xuất nhập khẩu
Nam Á thị trường tiềm năng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam
24/09/2014

Với số dân đông nhất thế giới (trên 1,7 tỷ người), cùng thói quen sử dụng gia vị trong việc chế biến món ăn, đặc biệt là hạt tiêu, khu vực Nam Á được xem là thị trường có nhiều tiềm năng đối với mặt hàng hạt tiêu Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam sang các nước khu vực Nam Á đạt 95,72 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần so với mức 38,59 triệu USD cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt xấp xỉ 8 nghìn tấn, chiếm 58,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang khu vực này. Sản lượng tiêu giảm dẫn đến giá tiêu trong nước tăng, khiến việc nhập khẩu tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa của Ấn Độ tăng cao. Với tình hình xuất khẩu như hiện nay, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang các nước Nam Á sẽ đạt trên 160 triệu USD.

Mặt hàng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường trong khu vực Nam Á (trừ Ápganítxtan, Butan và Manđivơ), trong đó, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu lớn nhất (chiếm khoảng 59% tổng kim ngạch). Tiếp theo là Pakítxtan (35%), Bănglađét (3,4%), Nêpan (2,2%), XriLanca (0,4%). Trong 7 tháng đầu năm 2014, nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang các nước khu vực Nam Á đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013: Ấn Độ tăng 109,66%; Pakítxtan tăng 211,13%; Bănglađét tăng 410,94%; Nêpan tăng 748%; Xri Lanca tăng 460%.

Thị trường hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính khu vực Nam Á trong 7 tháng đầu năm 2014

Đơn vị tính: triệu USD

TT

Tên nước

7T/2013

7T/2014

So 7t/2014 với 7t/2013 (%)

1

Ấn Độ

26,82

56,23

109,66

2

Pakítxtan

10,78

33,54

211,13

3

Bănglađét

0,64

3,27

410,94

4

Nêpan

0,25

2,12

748

5

XriLanca

0,1

0,56

460

Hạt tiêu là một trong những loại gia vị chính dùng để chế biến, tạo vị ngon và mùi thơm cho món ăn. Người dân khu vực Nam Á nói chung, nhất là Ấn Độ nói riêng sử dụng nhiều hạt tiêu trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, sản lượng hạt tiêu trong nước của Ấn Độ năm nay sụt giảm đáng kể. Tính đến hết tháng 4/2014, sản xuất tiêu của nước này chỉ đạt 35 nghìn tấn, thấp hơn 10 nghìn tấn so với kế hoạch mà Hội Đồng Gia vị nước này đặt ra, khiến giá tiêu của Ấn Độ tại thời điểm này giao động trong khoảng 12.000 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với giá tiêu thế giới, trong đó có Việt Nam (giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tại thời điểm này là 8.200 USD/tấn). Chính điều này đã tạo ra cuộc chạy đua nhập khẩu tiêu của các thương nhân Ấn Độ và tiêu Việt Nam là mặt hàng được ưa chuộng hơn cả. Tính từ đầu năm đến nay, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 8 nghìn tấn tiêu từ Việt Nam, chiếm trên 90% tổng lượng hạt tiêu nhập khẩu vào nước này.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới. Mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Với sản lượng ổn định, mức giá cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong năm 2014 được dự báo sẽ cán mốc 1 tỷ USD – mức kỷ lục từ trước đến nay, trong đó xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Nam Á được kỳ vọng sẽ vượt mức 160 triệu USD.

Với dân số khoảng 1,7 tỷ người cùng thói quen sử dụng hạt tiêu trong các bữa ăn hàng ngày, Nam Á là khu vực đầy tiềm năng để phát triển mặt hàng tiêu Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, nắm bắt thói quen sử dụng tiêu của người dân bản địa (dạng hạt hay dạng bột, sản phẩm tiêu riêng hay trộn cùng các loại gia vị khác…), phát triển các giống tiêu có giá trị cao và được sử dụng nhiều tại các nước trong khu vực này, nâng cao kỹ thuật, đảm bảo chất lượng đối với các quy trình từ thu hoạch đến đóng gói, phân phối, nhằm tăng sức cạnh tranh của tiêu Việt Nam. Bên cạnh đó, tích cực tham dự các Hội chợ, triển lãm ngành hàng nông sản tại các nước trong khu vực nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tiêu sang thị trường Nam Á.

Ý kiến bạn đọc