Thị trường xuất nhập khẩu
Tăng trưởng xuất khẩu sang Lào bình quân 14-15%/năm
12/09/2014

Theo nhận định của Bộ Công Thương, Việt Nam có chung đường biên giới với Lào, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển xuất khẩu hàng hóa sang Lào. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của thị trường Lào yếu do dân số thấp, khả năng thanh toán hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm tới thị trường Lào.

Tuy cùng là nước láng giềng có chung biên giới với Lào nhưng Việt Nam không có lợi thế về điều kiện địa lý thuận lợi, tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa như Thái Lan với Lào.

Hơn nữa, hàng Việt Nam lại phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu sang Lào. Chi phí vận tải cao do đường sá xa xôi, điều kiện hạ tầng vận tải yếu kém làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa các nước khác trên thị trường Lào. Hàng hóa của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở thị trường này, chưa tận dụng được ưu thế của Lào để tiếp tục xuất khẩu sang nước khác.

Do vậy, trong dự thảo chiến lược xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào, Bộ Công Thương định hướng xây dựng là phát triển xuất khẩu sang Lào theo mô hình tăng trưởng bền vững, hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào đến năm 2020 tăng gấp 2 lần năm 2014, cán cân thương mại Việt Nam - Lào cân bằng. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào bình quân 14-15%/năm trong thời kỳ 2015-2020. Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020, thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030.

Bộ Công Thương cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng nhóm hàng. Theo đó, cần có lộ trình giảm dần xuất khẩu nhiên liệu (xăng dầu), khoáng sản thô (chủ yếu là than đá), đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Lào từ 25% năm 2013 xuống còn 20% vào năm 2020.

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản – nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp, cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Định hướng tỷ trong nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Lào từ 7% năm 2013 lên 15% vào năm 2020.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm hàng có tiềm năng phát triển cần phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, phấn đấu tăng tỷ trọng nhóm hàng này từ 47% năm 2013 lên 65% vào năm 2020.

Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì chinh sách phát triển thương mại Việt Nam – Lào; tiếp tục rà soát, đàm phán, ký mới và bổ sung các hiệp định đã ký với Lào như Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào, Hiệp định mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào; đổi mới mô hình tổ chức, tăng cường hoạt động của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại Lào; từ nay đến 2020 tiến tới thực hiện cơ chế thông quan “một cửa – một điểm dừng” tại tất cả các cặp cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào...

Ý kiến bạn đọc