Nắm bắt và cập nhật thông tin tại thị trường xuất khẩu là một trong những điều kiện tiên quyết giúp các doanh nghiệp (DN) Việt tham gia sâu vào thị trường EU và tăng sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường đầy tiềm năng này.
Hiện quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) có nhiều chuyển biến tích cực. EU đã xem xét cởi mở hơn cho hàng hóa Việt Nam thông qua các quyết định cho áp dụng trở lại các chế độ ưu đãi đơn phương dành cho Việt Nam qua thuế quan phổ cập (GSP). Giao thương không ngừng tăng trưởng, thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng gấp 5 lần trong 13 năm qua.
Tiềm năng, cơ hội và thách thức
Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 24,4 tỷ USD/5.258 tỷ EUR doanh thu thương mại bán buôn và 2.592 tỷ EUR doanh thu thương mại bán lẻ của toàn EU, cho thấy lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thì trường tiềm năng lớn này còn rất khá kiêm tốn.
Làm thế nào để có thể tiến sâu hơn, rộng hơn với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngày càng cao vào thị trường EU đang là một thách thức lớn đối với các DN xuất khẩu Việt Nam.
Ông Jaen Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, các DN muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường nào thì phải nắm bắt được những yêu cầu, quy định và cả những rào cản của thị trường đó, trong đó việc cập nhật thông tin về chính sách, quy định pháp luật, sở thích người tiêu dùng… là vô cùng quan trọng.
Như vậy, để thành công ở thị trường EU, các nhà xuất khẩu phải nắm bắt cụ thể yêu cầu, nhu cầu của phía người mua; nắm được sự kỳ vọng của người tiêu dùng EU về xu hướng hàng hóa; không ngừng sáng tạo, nghiên cứu sản phẩm mới kết hợp với tìm được người mua hàng là đối tác nhập khẩu lâu dài.
Cũng theo ông Jaen Jacques Bouflet, truy cập thông tin đầy đủ nhất về thị trường EU sẽ giúp DN Việt Nam cải thiện được vấn đề tuân thủ pháp lí và yêu cầu của EU từ đó mới tiến sâu hơn vào thị trường gần 500 triệu dân này.
Bắt đầu từ năm 2014, EU cho hàng hóa Việt Nam được hưởng trở lại chính sách GSP, qua đó, các mặt hàng Việt Nam có thêm năng lực cạnh tranh tại thị trường EU. Tuy nhiên, theo quy định của EU, hàng hóa được hưởng GSP phải chịu sự xét duyệt 3 lần, các hạng mục được ưu đãi sẽ luôn có sự thay đổi khi thu nhập trung bình tăng lên, do vậy, DN Việt Nam cần luôn sẵn sàng chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu có thể thay đổi này.
Cơ hội thâm nhập thị trường EU còn rộng hơn khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU được kí kết. FTA được đánh giá là chính sách ưu đãi cao hơn GSP nhiều. Khi có FTA giữa hai bên thì tỉ lệ GSP sẽ không còn quan trọng, vì FTA có nhiều ưu đãi về thuế quan với các dòng thuế giảm dần về 0%.
Ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, hiện tại, đàm phán FTA Việt Nam-EU đang ở vòng thứ 7, trong tháng 9/2014 tới vòng đàm phán cuối sẽ diễn ra tại Việt Nam, nhiều hy vọng kết thúc thỏa thuận hiệp định vào giữa tháng 10 năm nay. Vì vậy, các DN xuất khẩu Việt Nam phải luôn luôn cập nhật những thông tin về các chính sách cũng như thị trường của EU để có những chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp và kịp thời.
Đáp ứng tiêu chuẩn để phát triển thị trường
Ông Frank Juettner, Tổng Giám đốc Công ty TUV Rheinland Việt Nam cho biết, rào cản lớn nhất đối với các DN khi tiếp cận thị trường EU là các yêu cầu khắt khe về những quy định kỹ thuật và những tiêu chuẩn tình nguyện mà sản phẩm phải đạt được.
Có 2 tiêu chuẩn được EU đưa lên hàng đầu trong hàng loạt các quy định khi nhập hàng đó là phải tuân thủ bảo vệ môi trường, sức khỏe và an toàn cho con người.
Ví dụ ở Đức, cơ quan quản lý có thể đến bất kì chợ, siêu thị nào để lấy 1 mẫu sản phẩm và kiểm định về mức độ tuân thủ an toàn với người sử dụng. Nếu sản phẩm không đáp ứng được các yêu cầu thì phía cơ quan quản lý EU đưa tên DN ra khỏi danh sách những DN được xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), trong mấy năm qua các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn khá “loay hoay” với việc thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường mà chưa đa dạng hóa các sản phẩm. Các mặt hàng còn ít thay đổi và đơn điệu, đôi khi lỗi thời so với yêu cầu ngày càng mới của người tiêu dùng châu Âu.
Bên cạnh đó, hàng Việt chưa tiếp cận được với chuỗi bán lẻ của EU (đầy tiềm năng) do hàng hóa chưa đáp ứng được những yêu cầu chất lượng, quy chuẩn cao; các vấn đề về tài chính; khả năng lượng hàng cung ứng, nhất là những mặt hàng nông sản.
Theo ông Jaen Jacques Bouflet, Việt Nam đang có một số sản phẩm thế mạnh là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, các DN Việt Nam bên cạnh việc nắm bắt thông tin của thị trường về thuế nhập khẩu của từng nước, các loại thuế trong nội địa của sản phẩm như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT thì việc không ngừng đầu tư về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và cả sự đa dạng của hàng hóa là việc làm đầu tiên của DN khi muốn tiến sâu và bền vững tại thị trường EU.