Thị trường xuất nhập khẩu
Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ
24/12/2013

Trong những năm gần đây, kim ngạch (KN) XK của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức độ tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng ấn tượng. Trong 5 năm qua, KNXK của Việt Nam sang thị trường này đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 46%/ năm.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2009, trước khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) được ký kết, mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng giá trị KNXK sang thị trường này còn khiêm tốn ở mức dưới 500 USD/năm. Tuy nhiên, kể từ khi AIFTA bắt đầu có hiệu lực vào năm 2010, KNXK của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng lên 992 triệu USD, tăng trên 136% so với năm 2009.

Đặc biệt, năm 2011, lần đầu tiên KNXK của Việt Nam sang Ấn Độ đã vượt mốc 1 tỉ USD với trên 1,5 tỉ USD, tăng trên 53% so với năm 2010. Năm 2012, mặc dù KN XK của Việt Nam sang Ấn Độ có tăng trưởng chậm hơn hai năm 2011 và 2010 nhưng vẫn đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2011. 10 tháng 2013 KNXK của Việt Nam sang Ấn Độ ước đạt trên 2 tỉ USD, vượt mức KNXK của cả năm 2012.

Các mặt hàng XK của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá XK, dần dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường này. Trong năm 2011 và 2012, có 4 mặt hàng XK sang Ấn Độ có KNXK trên 100 triệu USD là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; cao su; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng công nghiệp và có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây.

Nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam là nhóm hàng có KN lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam sang Ấn Độ. Trong những năm qua, KNXK các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ đều có tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định. Điển hình như mặt hàng cà phê năm 2008 có KNXK đạt 9,74 triệu USD, tuy nhiên, đến năm 2012, đã tăng đến 6 lần, đạt 57,5 triệu USD. Trong 5 năm từ 2008 – 2012, KNXK hạt tiêu cũng đã tăng 4,5 lần.. 

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm Ấn Độ XK hơn 500 ngàn tấn gia vị các loại với tổng trị giá KNXK khoảng 1,7 tỷ USD. Vì vậy, Ấn Độ cần nhập các mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều... để chế biến và thêm phần giá trị gia tăng, sau đó sẽ tái xuất. Đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Việt Nam, mặc dù giá trị gia tăng còn thấp.

Mặc dù thị trường Ấn Độ cũng còn những khó khăn như khoảng cách địa lí xa, giao thông không thuận tiện, thông tin thị trường còn thiếu, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển cân xứng giữ các vùng miền. Sự khác biệt về văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, cơ chế thanh toán cũng còn nhiều khó khăn, độ rủi ro cao...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia với sức mua lớn của thị trường cũng như những nỗ lực của Ấn Độ trong việc phát triển kinh tế cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách thu hút đầu tư sẽ là các cơ hội tốt để các DN Việt Nam hướng tới thị trường đầy tiềm năng này.

Theo nhận định của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng XK hàng hóa sang thị trường này. Đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn...

Tại hội nghị kết nối DN Việt Nam - Ấn Độ do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức tại TP.HCM gần đây, ông Manoj Kumar, lãnh sự Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM cũng đã kêu gọi DN hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác thương mại, đầu tư.

Theo ông Manoj Kumar, Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều điểm tương đồng về kinh tế, chính trị, văn hóa. Các DN Ấn Độ cũng luôn tin tưởng vào chất lượng hàng hóa cũng như uy tín của các DN Việt Nam. Do vậy, Ấn Độ cam kết giúp đỡ các DN Việt Nam 24/24 giờ/ngày sẽ và hỗ trợ tối đa về mọi mặt đặc biệt là vấn đề cấp thị thực nhằm khuyến khích cho các DN Việt Nam tới Ấn Độ tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc