Thị trường xuất nhập khẩu
Campuchia: thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt
20/12/2013

Theo dự báo của Chính phủ Campuchia cũng như các tổ chức tài chính quốc tế, năm 2013, kinh tế Campuchia có thể đạt mức tăng trưởng 7%. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm và tiếp tục đầu tư lâu dài tại Campuchia, cải thiện vị trí của các nhà đầu tư Việt Nam tại một thị trường láng giềng quan trọng.

Từ nhiều năm nay, Campuchia và Việt Nam đã có mối quan hệ hữu nghị, thương mại lâu bền và phát triển mạnh mẽ. Triển vọng hợp tác thương mại song phương giữa hai nước được chính phủ hai bên quan tâm và đánh giá cao. Đặc biệt, hệ thống giao thông thuận lợi giúp cho việc lưu thông hàng hóa giữa hai nước dễ dàng; nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn tăng trưởng cao. Trong năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia tăng 17%, đạt mức 3,3 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia.

Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành hoạt động giao thương với Campuchia như: Lợi thế đường biên giới chung đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia, 10 cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ; khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh chỉ có 230 km; thị hiếu người tiêu dùng Campuchia khá tương đồng với người Việt Nam... Đây là những điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường Campuchia.

Qua điều tra của Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, người tiêu dùng Campuchia đang chuyển hướng sang dùng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thay cho một số mặt hàng của một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, đại diện Vụ thị trường châu Á cũng nhận định, hàng Việt Nam cung cấp linh hoạt, giá rẻ nhưng chất lượng thì vẫn chưa thật sự ổn định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt Nam chưa có uy tín cao trên thị trường nước bạn. Hơn nữa, độ phủ của hàng Việt so với hàng Thái vẫn còn khoảng cách do chủng hàng còn ít. Hàng Việt phần lớn có nhiều ở chợ, còn tại các siêu thị, hàng Thái Lan có phần áp đảo hơn. Một điểm cần lưu ý là, số lượng hàng Việt Nam tiêu thụ đa dạng nhưng mức tiêu thụ cho từng sản phẩm còn tương đối nhỏ, kênh phân phối hàng hóa vào Campuchia phức tạp, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo trong kênh phân phối bán lẻ và bán buôn ở đây. Đa số các công ty lớn của Việt Nam đang kinh doanh ở Campuchia đều thông qua một nhà phân phối độc quyền để đưa hàng vào các chợ, trung tâm thương mại và phân phối đi các tỉnh. Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh và đẩy mạnh hiện diện thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa được quan tâm nhiều tại thị trường Campuchia.

Từ thực tế trên, theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp Việt khi muốn xâm nhập thị trường Campuchia cần xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam từ đầu. Trên thực tế, tại Campuchia hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Thái Lan về chất lượng lẫn mẫu mã, giá cả hàng hóa nhờ vào phương thức kinh doanh bài bản như: Mở văn phòng đại diện, đầu tư hệ thống phân phối, làm bao bì riêng. Cách làm này tuy chi phí cao nhưng tạo dựng được hình ảnh và giúp hàng hóa tiêu thụ tốt.

Hơn nữa, việc xây dựng thương hiệu Việt Nam tại Campuchia cần phải đi theo mục tiêu chung là xây dựng thương hiệu quốc gia. Đa phần người tiêu dùng chỉ biết là hàng Việt Nam chung chung chứ không phân biệt sản phẩm của từng doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần định hướng về chất lượng và tạo hình ảnh ấn tượng. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam ở Campuchia cũng cần lưu ý người Campuchia gốc Hoa thường kinh doanh rất bài bản, uy tín, nên dễ xúc tiến việc kinh doanh ngay trong lần giao dịch đầu tiên, trong khi đó, người Campuchia gốc cũng coi trọng chữ tín nhưng cách làm còn dè dặt, thận trọng hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp nên phát triển kênh phân phối để thâm nhập sâu vào thị trường Campuchia. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn mở cửa hàng tại Campuchia để trực tiếp phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng Campuchia, tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, các tiểu thương, nhà bán lẻ Campuchia chủ động tìm hiểu và tìm kiếm đối tác để được phân phối hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đặc điểm của nhà phân phối Campuchia là không muốn đầu tư dài hạn mà chỉ muốn thu lợi nhuận nhanh nên chi phí cho lưu chuyển hàng hóa luôn luôn cao, thiếu ổn định. Vì vậy, việc tập trung phát triển mạng lưới phân phối cũng như chuyển giao phương thức cho các nhà phân phối Campuchia là rất cần thiết. Phát triển hệ thống nên theo hướng phát triển phân phối ở chợ rồi mới đến siêu thị, bởi chợ ở Campuchia vẫn là kênh mua sắm truyền thống được nhiều người sử dụng.

Ngoài ra, đối với thị trường Campuchia, doanh nghiệp cũng cần lưu ý nâng cao chất lượng sản phẩm, gây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng cáo và cải tiến bao bì, mẫu mã... Nếu thực hiện tốt việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, cải thiện chất lượng, mẫu mã, hàng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với sản phẩm các nước khác và giành vị thế dẫn đầu tại thị trường đầy tiềm năng này./.

Ý kiến bạn đọc