Thị trường xuất nhập khẩu
Xuất khẩu sang Maroc: Nhiều hứa hẹn
12/11/2013

Với kim ngạch không ngừng tăng trưởng và cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, Maroc đang dần trở thành thị trường nhiều hứa hẹn.

Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương cho biết, hiện cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Maroc ngày càng đa dạng và đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực với việc các mặt hàng nông sản xuất khẩu thô và qua khâu trung gian như hạt tiêu, cơm dừa đã giảm dần nhường chỗ cho hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Năm 2012, điện thoại và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 (36,8 triệu USD) thay thế cho cà phê với mức tăng trưởng gấp 10 lần so với năm 2011. Nhóm hàng vải, xơ, sợi các loại vẫn duy trì được kim ngạch 4,5 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 13,6 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2011. Mặc dù mới xuất hiện gần đây nhưng thuỷ sản chủ yếu là cá tra và tôm đông lạnh đang ngày càng có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch đạt 4,1 triệu USD. Các sản phẩm từ sắt thép đạt kim ngạch 2 triệu USD, tăng 5 lần so với năm 2011. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu thêm mặt hàng tàu thuyền các loại với kim ngạch đạt 2,79 triệu USD.

Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu sang Maroc đạt 50,12 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó điện thoại di động và linh kiện tiếp tục đứng đầu với 32,16 triệu USD, cà phê 4,2 triệu USD, hàng hải sản 2,1 triệu USD, hóa chất 1,2 triệu USD, giày dép các loại 1 triệu USD, hạt tiêu 1 triệu USD, tàu thuyền các loại 0,99 triệu USD, sản phẩm dệt may 0,95 triệu USD...

Theo các chuyên gia, việc điện thoại di động và linh kiện trở thành mặt hàng xuất khẩu số một của Việt Nam sang Maroc đang cho thấy các mặt hàng truyền thống cần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm để tạo ra sức hút với các thị trường nhập khẩu mới.

Nhiều hứa hẹn

Maroc là một trong những thị trường nhập khẩu cà phê xanh (cà phê hạt chưa rang xay) tương đối lớn trên thế giới:mỗi năm nước này nhập khẩu khoảng 28.000 tấn cà phê trong đó 80% là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica. Từ nhiều năm nay, cà phê giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Theo Thương Vụ Việt Nam tại Maroc, để khuyến khích việc tiêu dùng cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng giới thiệu cho người Maroc những lợi ích của việc sử dụng cà phê, làm sao để họ coi đây là một đồ uống hàng ngày.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần tạo ra các mô hình mới về “Coffee Shops”, giới thiệu nhiều mẫu mã khác nhau, mở rộng mạng lưới phân phối để người tiêu dùng Maroc dễ dàng tiếp cận với mặt hàng này vì họ đang dần trở thành những người tiêu dùng cà phê sành điệu và ngày càng đòi hỏi mặt hàng có chất lượng cao.

Bên cạnh cà phê, Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh và nuôi trồng thuỷ hải sản với thị trường Maroc. Ngoài vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ của châu Âu, châu Phi và cận Trung Đông, Marốc đã ký Hiệp định tự do mậu dịch với EU, Hoa Kỳ, và khối các nước A rập. Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản xuất, chế biến cá tại Maroc và xuất khẩu sang các nước nói trên sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi bằng 0%. Đây là lợi thế rất lớn mà doanh nghiệp cần tận dụng

Nên có đại lý phân phối

Xuất khẩu sang Maroc của các doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó do khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu thông tin thị trường, sự khác biệt về tập quán kinh doanh (nhất là từ phía các công ty Maroc).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn có tâm lý sợ rủi ro chưa dám mạo hiểm nên chưa tích cực tham gia khảo sát thị trường để gặp gỡ trực tiếp các đối tác tại Maroc dẫn tới hiệu quả giao dịch còn hạn chế. Việc giới doanh nhân Maroc chỉ quen giao dịch bằng tiếng Pháp cũng là một cản trở trong quan hệ thương mại giữa hai bên.

Do vậy, Thương Vụ Việt Nam tại Maroc cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu thành công vào thị trường này phải có văn phòng đại diện hoặc sử dụng các đại lý, các nhà phân phối bản địa. Bởi các đại lý và nhà phân phối địa phương có thể giúp đỡ đắc lực cho doanh nghiệp nước ngoài nhờ kiến thức ngôn ngữ tiếng Arab và vốn hiểu biết về tập quán kinh doanh tại thị trường sở tại.

Nếu không đặt trụ sở tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn hình thức trung gian là thông qua đại lý thương mại. Hoạt động của đại lý thương mại theo Bộ Luật thương mại Moroc gồm 3 loại hình là đại lý thương mại, người môi giới và người được uỷ thác.

Ý kiến bạn đọc