Thị trường xuất nhập khẩu
Giải pháp nào tăng xuất khẩu sang Australia ?
16/10/2013
 

Dù liên tục xuất siêu sang Australia nhưng năm 2012, sau nhiều năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Australia mới đạt năm tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất 3,24 tỷ USD, nhập khẩu 1,77 tỷ USD. Hàng hóa của nước ta vẫn còn rất nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này. 

Tiềm năng lớn

Ông Nguyễn Bảo – Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cho biết: Có rất nhiều điểm thuận lợi để hàng Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Lý do là, thứ nhất, khung khổ pháp lý giữa hai nước rất thuận lợi cho việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên. Cụ thể, hai nước đã nhất trí nâng quan hệ lên tầm quan hệ đối tác toàn diện và đã ký thoả thuận chương trình hành động nhằm thực hiện mục tiêu này. Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 cũng nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng đã ký nhiều văn bản hợp tác giữa các bộ ngành và các địa phương của nhau, thí dụ Bộ Công Thương Việt Nam đã có văn bản hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Bộ Tài nguyên và Môi trường Australia… Đây đều là những điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của hai bên thâm nhập vào thị trường của nhau.

Điểm thuận lợi thứ hai là Australia và Việt Nam là hai nền kinh tế mang tính chất bổ sung cho nhau. Australia có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng sử dụng nhiều lao động, đó lại là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như may mặc, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, hạt điều… Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa thể sản xuất được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu như lúa mì, sữa, gỗ nguyên liệu… và trong những năm tới có thể sẽ là than, khí đốt hóa lỏng.

Xét về dung lượng thị trường, dù dân số Australia không đông (23 triệu người) nhưng thu nhập bình quân đầu người lại khá cao, khoảng 60 nghìn đô-la Australia/năm (tỷ giá đô la Australia và USD là gần tương đương nhau), dẫn đến sức mua lớn. Năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Australia là 311 tỷ đô-la Australia, trong khi đó ta xuất khẩu sang Australia chỉ khoảng 3,24 tỷ USD, chiếm hơn 1%, vì vậy, dư địa xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này còn rất lớn.

Bên cạnh đó, ông Bảo nhấn mạnh: “Thị trường Australia không hề có sự phân biệt hay lựa chọn xuất xứ hàng hóa của bất cứ quốc gia nào, thậm chí họ còn rất mong muốn đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, điều quan trọng là hàng Việt Nam phải đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả… cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại được sản xuất từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…”. 

Làm sao để chiếm lĩnh?

Cho dù có nhu cầu lớn như vậy nhưng trên thực tế, nhiều mặt hàng, dù là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vẫn chưa đủ sức chiếm lĩnh thị trường Australia. Chẳng hạn, mỗi năm, Australia có nhu cầu nhập khẩu khoảng ba tỷ USD đồ nội thất nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 120 triệu USD mặt hàng này vào Australia (con số năm 2012), trong khi đó Trung Quốc chiếm hơn 55% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Giày dép mỗi năm Australia có nhu cầu nhập khẩu 1,5 tỷ USD nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 95 triệu USD (con số năm 2012), trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 thị phần nhập khẩu mặt hàng giày dép của Australia)… Đây đều là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Lý giải nguyên nhân khiến hàng Việt chưa có nhiều sức cạnh tranh tại thị trường Australia, ông Bảo cho biết: Ở bất cứ thị trường nào, hàng hóa phải có sức cạnh tranh mới có thể chiếm lĩnh được thị trường. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn yếu là do chất lượng, giá cả chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt vẫn còn tâm lý “ăn xổi ở thì”, chưa quan tâm tìm hiểu sâu thị trường, đặc biệt chưa đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, để chiếm lĩnh thị trường Australia, DN phải thực hiện có hiệu quả chiến lược marketing, phải có chiến lược làm ăn lâu dài, chứ không phải kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Thứ hai là phải đặc biệt coi trọng vấn đề bảo đảm chất lượng sản phẩm, nên coi đây là yêu cầu tự thân cho chính sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chứ không phải chỉ đơn thuần là sự đối phó với “rào cản” của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, ông Bảo cho biết thêm: Người Australia cực kỳ nhạy cảm với những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thông tin sai sự thực của giới truyền thông nước ngoài về tôm, cá Việt Nam không được nuôi trồng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay dư lượng kháng sinh quá cao chính là rào cản mạnh mẽ nhất các sản phẩm xuất khẩu sang Australia. “Chính vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài cần có thêm nhiều biện pháp khác nữa, thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua hàng. Thứ hai là hỗ trợ cho các phương tiện thông tin đại chúng của nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin trung thực, đúng đắn về hàng hóa Việt Nam. Đôi khi, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông nước sở tại còn có sức mạnh hơn nhiều lần so với lời giải thích của Đại sứ quán hay Thương vụ. Đây là việc hoàn toàn không mới, các nước đã làm từ lâu và tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể đạt được hiệu quả nếu sử dụng cách này” – ông Bảo khẳng định. 

Ý kiến bạn đọc