Thị trường xuất nhập khẩu
Những điều cần biết khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ
09/10/2013

Đã có nhiều buổi hội thảo, tọa đàm được tổ chức bàn luận về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ nhưng theo Ông Lê Xuân Dương, tùy viên thương mại của Việt Nam tại Mỹ, những cuộc hội thảo đi sâu vào các khía cạnh cụ thể của thị trường này vẫn còn rất ít.

Trong chuyến về nước năm nay, ông Dương đã cho biết một số nhận xét về thị trường còn mới lạ này.

Nét riêng của thị trường Mỹ: bạn hàng chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Muốn hàng Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ, trước tiên doanh nghiệp
Việt Nam phải hiểu rõ về những đối thủ cạnh tranh quan trọng của mình. Theo thống kê, đối thủ chính của Việt Nam trong ngành hàng cà phê hiện là Indonesia và Ấn Độ. Hạt tiêu thì có Indonesia, Ấn Độ, Malaysia; cao su là Thái Lan, lndonesia, Malaysia; hải sản là Thái Lan, Philippines; tin học là Ân Độ, Trung Quốc, Đài Loan. Riêng về hai ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất vào Mỹ hiện nay là may mặc và giày dép thì các đối thủ chính của Việt Nam là Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Philippines cùng với một số
nước thuộc vùng Nam Mỹ, châu Âu....

Về mối quan hệ với bạn hàng, hầu hết các doanh nghiệp công ty Mỹ không thích làm việc qua trung gian, coi trọng luật lệ và luôn đòi hỏi mọi việc phải được trả lời nhanh chóng, rõ ràng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ thường có nhu cầu xuất nhập hàng hóa rất lớn. Đây mới chính là các đối tác chủ yếu của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Mặc dù tự do thương mại nhưng ở Mỹ hiện có rất nhiều luật lệ quy định về kỹ thuật và chất lượng, tạo thành các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nước ngoài. Ngoài ra, hoạt động của hàng chục hiệp hội ngành hàng tại Mỹ như Hiệp hội cà phê, Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng dệt may, Hiệp hội giày dép, Hiệp hội chế biến kinh doanh hàng gia vị...là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam nên biết đến. Việc tham gia vào hoạt động của các hiệp hội này có thể được xem như một trong những biện pháp thâm nhập vào thị trường Mỹ hiệu quả nhất. Thông qua hiệp hội, các công ty xuất khẩu Việt Nam có thể được tiếp xúc trực tiếp với các công ty thành viên qua mạng Internet, họp mặt, thư từ.... Và điều quan trọng là doanh nghiệp còn thường xuyên được cung cấp các số liệu về tình hình kinh doanh, xu hướng giá cả cũng như được giải đáp các vướng mắc về thủ tục kinh doanh. Hiện chi phí mà một công ty thành viên phải đóng hàng năm cho hiệp hội chỉ vào khoảng từ 700-800 USD.

Những điều nên làm khi có nhu cầu xúc tiến buôn bán với bạn hàng Mỹ

Các doanh nghiệp Việt Nam nên triệt để tận dụng các tiện ích có được từ mạng Intemet nếu có ý định làm ăn lâu dài tại Mỹ. Cụ thể như gửi thư điện tử, khai thác kho dữ liệu khổng lồ về thông tin và tìm kiếm bạn hàng trên mạng. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn có thể thu hút sự chú ý của các công ty tại đây bằng cách đưa ra những mẫu quảng cáo độc đáo trên trang chủ riêng của mình. Về lâu dài có thể hướng tới công tác chuẩn bị cho việc bán hàng qua mạng (e-commerce) một khi có đủ điều kiện về pháp lý và phương thức thanh toán.

Một cách chào hàng tương đối hiệu quả khác là tham dự các cuộc hội chợ triển lãm, được tổ chức liên tục hàng ngàn cuộc mỗi năm trên khắp đất Mỹ. Tuy nhiên, muốn các chuyến đi mang lại kết quả như mong đợi thì doanh nghiệp hay các nhà tổ chức (thường là các trung tâm xúc tiến thương mại) nên có sự phối hợp chặt chẽ với một công ty tại Mỹ để có thể gặp đúng đối tượng và được hướng dẫn về đi lại. Hiện nay, chi phí thuê mặt bằng tại các cuộc hội chợ triển lãm ở Mỹ trung bình khoảng từ 2.000-3.000 USD cho một gian hàng chừng 10 m2. Đó là chưa kể các khoản chi phí gửi hàng và cho nhân viên đi kèm. Ngoài các biện pháp tiếp thị, bán hàng, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ và thiết bị mới và đảm bảo giao hàng đúng hạn nếu muốn làm ăn lâu dài tại thị trường Mỹ. Ngoài ra, đầu tư công nghệ mới còn giúp nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, qua đó nâng sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với hàng hóa của các nước khác vốn đã có mặt từ lâu tại thị trường Mỹ. Và cuối cùng là đừng quên Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng là một địa chỉ mà các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ để có thể được cung cấp kịp thời những thông tin về thị trường, tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra về vật chất cũng như thời gian.

Các mặt hàng Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Mỹ

Do tác động của thuế nhập khẩu trước và sau khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực nên các mặt hàng Việt Nam đã và sẽ thâm nhập thị trường Mỹ có thể tạm được phân thành hai nhóm: nhóm có thuế nhập khẩu thấp hoặc bằng 0, và nhóm có thuế nhập khẩu cao hơn. Trong nhóm các mặt hàng có thuế nhập khẩu thấp hoặc bằng 0 có thể kể đến những mặt hàng chính như sau:

1- Cà phê hạt

Việt Nam hiện đứng thứ bảy về giá trị xuất khẩu và thứ năm về số lượng trong số các nước xuất khẩu cà phê sang Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ là 142,5 triệu USD trong năm 1999 (do giá cà phê thế giới sụt mạnh trong hai năm qua). Thị trường Mỹ chủ yếu tiêu thụ cà phê arabica (70%). Cà phê hạt các loại là mặt hàng được hưởng mức thuế suất bằng 0 cho dù nước xuất khẩu được hay không được hưởng quy chế Tối huệ quốc.

2- Hải sản bao gồm cá, tôm, cua và các loại thủy sản khác

Mỹ nhập khẩu hải sản đứng thứ hai trên thế giới, sau Nhật, nhưng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới, Mỹ sẽ qua mặt Nhật trong vài năm tới. Các loại hải sản được nhập nhiều nhất vào Mỹ hiện nay là tôm, tôm hùm, sò và cua. Trong đó, tôm các loại là mặt hàng được nhập nhiều nhất với kim ngạch gần 2 tỷ USD/năm.
Doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu hải sản vào thị trường này, trước tiên phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc FDA thuộc Bộ Y tế Mỹ. Từ cuối năm 1997 đến nay, FDA đã thiết lập một hệ thống giám sát chế biến và xuất khẩu hải sản theo tiêu chuẩn HACCAP (Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn trong ngành chế biến thực phẩm).

3- Nhóm thực phẩm chế biến từ thịt, tôm, cá

Mỹ là nước nhập rất nhiều thực phẩm chế biến từ thịt, tôm, cá. Đã có 1,8 tỷ USD trị giá hàng thực phẩm chế biến được Mỹ nhập vào năm 1998, trong đó hơn 40% là tôm, nghiêu, sò, cua chế biến. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh việc xuất tôm chế biến vào Mỹ do mặt hàng này có thuế suất bằng 0. Thái Lan hiện là nước đứng đầu trong số các nước xuất tôm chế biến sang Mỹ, chiếm 89% thị phần trong năm 1998 với kim ngạch đạt khoảng 370,2 triệu USD. Riêng Việt Nam đã xuất được 13,5 triệu USD trong cùng năm 1998, đứng thứ tư và chiếm gần 3% nhập khẩu của Mỹ. Thị trường Mỹ đang rất ưa chuộng mặt hàng nhập khẩu này với mức nhập khẩu tăng trung bình từ 20-30%/năm.

Ý kiến bạn đọc